|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Cơn bão hoàn hảo' càn quét qua thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua

14:03 | 20/08/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang phải đối mặt với một loạt những thông tin bất lợi trong tuần này, khiến tâm lý nhà đầu tư suy sụp và hàng loạt chỉ số chứng khoán tụt dốc.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán toàn cầu đã hứng chịu một “cơn bão hoàn hảo” trong tuần này, khi những lo ngại về sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc và khả năng Mỹ duy trì chính sách thắt chặt đã tác động lên tâm lý nhà đầu tư. 

“Cơn bão hoàn hảo” là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong kinh tế và chính trị, ám chỉ sự hội tụ của nhiều yếu tố bất lợi cùng một lúc và gây ra tác động vô cùng lớn. 

Trong tuần qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đang trên đà ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng ba, trong khi S&P 500 và Nasdaq đã giảm điểm trong tuần thứ ba liên tiếp

Tại châu Á, chỉ số Hang Seng đã giảm 2,1% trong phiên ngày 18/8 và 4% so với đầu tuần sau thông tin gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 cũng mất 3,1% trong tuần vừa trước. Ở châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đã giảm 1% trong phiên giao dịch cuối tuần và hơn 3% trong cả tuần. 

Gần như mọi chỉ số chứng khoán quốc tế đều đi xuống trong tuần qua. 

"Cơn bão hoàn hảo"

“Từ cuộc khủng hoảng âm ỉ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ hay doanh số bán lẻ tại Anh sụt giảm nghiêm trọng, mọi thứ ngoài kia đều đang bắt đầu trở nên tồi tệ”, Giám đốc Russ Mould của AJ Bell Investment cho biết.

Sự sụt giảm vào ngày 18/8 (thứ Sáu) đã cộng hưởng với những biến động tiêu cực vào đầu tuần này sau khi biên bảo họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố. Các quan chức Fed cho biết vẫn sẵn sàng nâng lãi suất cao hơn nữa để giảm lạm phát một cách bền vững. 

Những tuyên bố trên thúc đẩy lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng đột biến. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong khoảng 16 năm, trong khi lợi suất trái phiếu tương tự của Đức chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 3/2023, sau sự kiện Silicon Valley Bank sụp đổ. 

Việc nhà phát triển Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã gây ra mối lo ngại lớn hơn về thị trường bất động sản Trung Quốc. Gần đây, công ty Country Garden có quy mô còn lớn hơn cả Evergrande cũng đã chậm trả lãi và kéo dài thời hạn thanh toán một số lô trái phiếu. 

Một phần do thời tiết ẩm ướt, doanh số bán lẻ của Anh đã giảm 1,2% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với dự báo 0,5% trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế của Reuters. Số liệu trên càng làm suy giảm hơn nữa tâm lý thị trường.

Chỉ số Dow Jones đã đi xuống dưới đường bình quân trượt 50 phiên (MA50) trong tuần qua, báo hiệu nguy cơ thị trường gấu.

Giám đốc Chiến lược Cổ phiếu Châu Âu của Barclays, ông Emmanuel Cau nhận định: “Các thị trường đang bị ảnh hưởng bởi ‘cơn bão hoàn hảo’, trong bối cảnh lãnh suất tăng vọt, dữ liệu kinh tế Trung Quốc xấu đi, tính thanh khoản kém và chứng khoán không còn người mua”.

Ông Cau cho rằng quan điểm trước kia của Barclays về Trung Quốc là “quá lạc quan”, với nguyên nhân là “thiếu những hành động chính sách quyết đoán” kể từ cuộc họp Bộ Chính trị vào cuối tháng 7. 

“Sự tự mãn đã biến mất, nhưng nếu không có công cụ kích thích tài chính quy mô lớn, chúng tôi thừa nhận rằng tâm lý về Trung Quốc khó có thể tự đảo ngược”, ông nói. Chiến lược gia này cho rằng tình trạng này đang đặt ra thách thức với chứng khoán châu Âu và Anh. Do đó, Barclays đang khuyến nghị các nhà đầu tư nên đầu tư vào các cổ phiếu mang tính chu kỳ và phòng thủ, cũng như những cổ phiếu đang được định giá rẻ.

Thị trường sẽ chú tâm đến hội nghị của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole và tuần tới cũng như báo cáo chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) từ một loạt nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Dù thị trường dường như đang ngày càng nhận thấy những rủi ro được các nhà kinh tế học nhấn mạnh trong những tháng gần đây, ông David Roche, Chủ tịch của Independent Strategy, nói với CNBC rằng đợt sụt giảm này có thể tiếp tục một khi toàn bộ rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô được nhìn nhận hoàn toàn. 

“Tôi nghĩ sự điều chỉnh sẽ bắt đầu khi mọi người sẽ nhận ra rằng lợi nhuận cần sụt giảm để hạ lạm phát; những vấn đề đang diễn ra ở châu Mỹ Latin, các quốc gia châu Phi như Niger và toàn bộ vành đai Sahel; các vấn đề tại Trung Quốc”, ông nói. 

“Tôi nghĩ khả năng giảm giá của thị trường vẫn còn rất lớn và hiện tại vẫn chưa được tính đến”, chuyên gia này nhận định thêm. 

Minh Quang