Evergrande và một công ty con nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ
Evergrande, nhà phát triển bất động sản đang gánh "núi nợ" khổng lồ và là trung tâm của cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc, ngày 17/8 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ theo Chương 15 luật phá sản của nước này.
Gần đây Evergrande có 330 tỷ USD nghĩa vụ tài chính. Trong đơn xin bảo hộ phá sản nộp lên tòa án phá sản quận Manhattan, Evergrande cho biết muốn được công nhận quá trình đàm phán về tái cơ cấu đang diễn ra tại Hong Kong (Trung Quốc), Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Trước đó, hoạt động giao dịch cổ phiếu của China Evergrande đã bị đình chỉ vào tháng 3/2022.
Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.
Evergrande cho biết các chủ nợ có thể bỏ phiếu về kế hoạch tái cơ cấu trong tháng này, trong đó kế hoạch này có khả năng sẽ được các tòa án ở Hong Kong và Quần đảo Virgin thuộc Anh phê duyệt trong tuần đầu của tháng Chín. Evergrande đã đề xuất tiến hành điều trần trước tòa xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 vào ngày 20/9 tới.
Tháng trước, Evergrande ghi nhận lỗ tổng cộng 81 tỷ USD trong năm 2021 và 2022, khiến giới đầu tư lo ngại về tính khả thi của kế hoạch tái cơ cấu nợ mà tập đoàn này đề xuất vào tháng Ba.
Đầu tuần này, công ty con sản xuất xe điện của Evergrande là China Evergrande New Energy Vehicle Group đã công bố kế hoạch tái cơ cấu. Theo đó, NEV kêu gọi thực hiện hoán đổi nợ thành cổ phần trị giá 2,7 tỷ USD, và bán cổ phiếu gần 500 triệu USD cho công ty NWTN đã niêm yết tại Mỹ.
Sau khi hoàn tất thương vụ đầu tư này, NWTN sẽ nắm giữ khoảng 27,50% cổ phần của NEV. Tổng số lỗ của NEV trong năm 2021 và 2022 là gần 10 tỷ USD.
Một công ty con khác của China Evergrande là Tianji Holdings cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án về phá sản của quận Manhattan. Luật sư của Evergrande chưa có phản hồi gì về thông tin này.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các phần khác của nền kinh tế giữa lúc đà tăng trưởng đang chậm lại.
Số công ty vỡ nợ kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc bắt đầu vào giữa năm 2021 chiếm đến 40% doanh số bán nhà tại nước này.
Tình trạng của Country Garden, một công ty phát triển bất động sản tư nhân lớn khác của Trung Quốc, cũng đang khiến giới đầu tư lo ngại sau khi lỡ thời hạn thanh toán một số khoản lãi suất trong tháng này.