|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đến bao giờ thị trường chứng khoán Mỹ mới ngừng vui mừng vì dữ liệu kinh tế tiêu cực?

20:59 | 05/09/2023
Chia sẻ
Trong 9 tháng qua, nhà đầu tư Mỹ đã ăn mừng mỗi khi nền kinh tế đón nhận tin xấu, bởi điều này có thể buộc Fed phải nhượng bộ về chính sách.

(Hình minh họa: MarketWatch)

Phản ứng khác thường 

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II ở Mỹ đã kết thúc, các nhà đầu tư chứng khoán đang tập trung chú ý vào những dữ liệu kinh tế mới. Trong phần lớn các trường hợp, thị trường phản sẽ ứng tích cực với những “dữ liệu tiêu cực”, hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc.

Ông Chris Fasciano, nhà quản lý danh mục tại Commonwealth Financial Network, cho biết xu hướng “tin xấu là tin tốt” đã kéo dài gần 9 tháng. Lý do các nhà đầu tư có suy nghĩ khác thường này là dữ liệu kinh tế yếu đi và lạm phát hạ nhiệt có thể thuyết phục Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngừng tăng lãi suất.

Tính đến cuối tuần trước, các nhà đầu tư dự đoán rằng xác suất Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 9 là 90%. Trong khi đó, xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 là khoảng 35%.

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã ghi nhận tuần tốt nhất kể từ tháng 6 và tháng 7, sau khi dữ liệu công bố ngày 1/9 báo hiệu thị trường lao động đang hạ nhiệt. Cụ thể, Mỹ tạo ra 187.000 công việc mới trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,5% lên 3,8%.

 

Ông Richard Flax, Giám đốc đầu tư của Moneyfarm, thì cho rằng thị trường lao động đang hạ nhiệt từ từ nhưng báo cáo việc làm không phải bằng chứng thể hiện rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu rõ rệt.

Ông nhận xét: “Dữ liệu kinh tế không thực sự xấu, mà chỉ đang yếu đi. Nếu nhà đầu tư thấy dữ liệu kinh tế cực kỳ xấu thì họ sẽ không phản ứng tích cực”.

Coi chừng lạm phát

Trong khi đó, ông Jamie Cox, đối tác tại Harris Financial Group, cho rằng: “Mỹ đang trải qua một cuộc suy thoái luân phiên. Các ngành lần lượt trượt dốc, nhưng suy thoái không đồng loạt diễn ra trong mọi lĩnh vực kinh tế”. Tuy nhiên, ông Cox lưu ý rằng phản ứng của thị trường có thể thay đổi nếu nhà đầu tư thấy có sự sa sút đáng kể trong thị trường lao động và nhà ở.

Giám đốc Flax cho biết để phá vỡ chu kỳ tin kinh tế xấu là tin tốt trên thị trường chứng khoán, dữ liệu kinh tế sẽ phải tồi tệ hơn hẳn so với hiện nay, phô bày thêm nhiều hậu quả mà lãi suất cao gây ra.

Ngoài ra, xu hướng trên cũng có thể đảo ngược nếu kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp “bị hạ thấp đáng kể”. Ông Flax nói tiếp: “Nhà đầu tư sẽ thay đổi cách nghĩ khi họ thấy dữ liệu kinh tế tiêu cực dẫn đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp kém đi”.

Ông David Merrell, nhà sáng lập công ty cố vấn TBH Advisors, khuyên rằng các nhà đầu tư nên cẩn trọng trước nguy cơ lạm phát tăng nóng trở lại.

Báo cáo mới nhất của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 7 chỉ tăng 0,2% so với tháng liền trước. Tuy nhiên, PCEPI lại tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 3% ghi nhận vào tháng 6.

Ông Merrell nhìn nhận: “Lạm phát nhìn chung đang đi xuống. Nhưng nếu áp lực giá quay đầu tăng trở lại, tin xấu của nền kinh tế sẽ trở thành tin xấu của thị trường”.

 

Nếu kịch bản trên trở thành sự thực thì đà tiến của chứng khoán Mỹ trong năm 2023 có nguy cơ sẽ bị bẻ gãy. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã lần lượt tăng 17,6% và 34%.

Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ đón nhận dữ liệu thâm hụt thương mại tháng 7 của Mỹ vào ngày 5/9 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 7/9.

Thị trường cũng sẽ chú ý tới phát biểu của một số quan chức Fed để tìm kiếm manh mối xem liệu ngân hàng trung ương Mỹ đã sẵn sàng kết thúc chiến dịch tăng lãi suất hay chưa.

Giang