|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãnh đạo Đài Loan thăm Mỹ, IMF cảnh báo căng thẳng Mỹ-Trung sẽ làm GDP toàn cầu suy giảm

08:21 | 07/04/2023
Chia sẻ
IMF cho rằng việc các quốc gia chuyển sản xuất sang những nước thân thiện sẽ khiến dòng chảy đầu tư bị đứt gãy và làm các nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (phải) đón tiếp nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/4. Trung Quốc đã đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả chuyến thăm của bà Thái. (Ảnh: Reuters).

Theo CNBC, trong một báo cáo được xuất bản hôm 5/4, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng những căng thẳng địa chính trị toàn cầu có thể cản trở dòng chảy vốn đầu tư và khiến tổng sản phẩm quốc nội của toàn thế giới giảm đi 2% trong dài hạn.

IMF cho biết các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang cố gắng giúp chuỗi cung ứng trở nên bền bỉ hơn bằng cách “chuyển hoạt động sản xuất về quê nhà hoặc tới những quốc gia đáng tin cậy”. Tuy nhiên, xu hướng trên sẽ làm cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bị phân mảnh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhắc đến những đạo luật mới được thông qua, chẳng hạn như Đạo luật Chips và Khoa học của Washington, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao. Nhật Bản gần đây cũng tham gia vào nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip bán dẫn hiện đại của Trung Quốc. 

Tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2023.

Một cuộc khảo sát gần đây do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện cũng cho thấy sự dịch chuyển đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ra khỏi nền kinh tế số hai thế giới. Lần đầu tiên sau 25 năm, chưa đến một nửa số người được hỏi xếp Trung Quốc là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu.

Các nhà kinh tế của IMF cho biết tiền hiện nay đang chảy tới những nơi được coi là “các quốc gia gần gũi về mặt địa chính trị”. Tổ chức này cho biết sự gia tăng của “friend-shoring” (thuật ngữ chỉ việc chuyển sản xuất về những quốc gia thân thiện) có thể gây tổn hại lớn nhất tới các thị trường đang phát triển.

IMF nhận định rằng những nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng khi khó tiếp cận vốn đầu tư từ những nền kinh tế tiên tiến, "giảm hình thành vốn và khó nâng cao năng suất từ hoạt động chuyển giao công nghệ, bí quyết".

Cảnh báo của IMF được đưa ra khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn gặp gỡ tại California, Mỹ. Bắc Kinh đã đưa ra một số lời đe dọa, cam kết sẽ có “những hành động kiên quyết” để đáp trả “sự khiêu khích”.

IMF nói thêm rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ dễ bị tổn thương hơn trước sự thay đổi của dòng vốn FDI bởi “[những quốc gia này] phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tiền từ những nước xa cách về mặt địa chính trị”.

IMF cảnh báo rằng ngay cả khi các cường quốc gặt hái được những lợi ích từ việc gia tăng căng thẳng, thì những nước nghèo hơn sẽ phải trả giá. Các nhà kinh tế của IMF viết: “Một thế giới bị phân mảnh có thể sẽ nghèo hơn”.

 

Dễ bị tổn thương

IMF lập luận rằng chuỗi cung ứng được “sắp xếp lại” theo các liên minh địa chính trị có thể mang lợi ích cho an ninh quốc gia, nhưng cũng sẽ đi kèm hậu quả. “Việc chuyển sản xuất về những đối tác sẵn có thường sẽ làm giảm sự đa dạng hóa và khiến các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc vĩ mô”.

Vào năm ngoái, tổ chức này từng lập luận rằng “chuỗi giá trị toàn cầu đa dạng hơn có thể giúp giảm tác động của các cú sốc trong tương lai”. Trong báo cáo gần đây, IMF lặp lại quan điểm trên, cho rằng ngay cả đối với những nền kinh tế phát triển, việc doanh nghiệp nước ngoài tăng cường cạnh tranh sẽ “thúc đẩy doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả hơn”.

IMF cũng khuyến khích các nước nên giảm thiểu sự không chắc chắn về chính sách, bởi hiện tượng này “khuếch đại tổn thất do phân mảnh”.

“Trong một thế giới bị chia cắt với căng thẳng địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư có thể lo lắng rằng những nền kinh tế không liên kết sẽ buộc phải chọn phe trong tương lai, và sự không chắc chắn này có thể làm gia tăng thiệt hại”, IMF cảnh báo.

Minh Quang