|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Doanh nghiệp thây ma' trỗi dậy, trở thành quả tạ kéo lùi tăng trưởng kinh tế thế giới

14:56 | 03/04/2023
Chia sẻ
Lãi suất tăng lên khiến các "doanh nghiệp thây ma" xuất hiện ngày càng nhiều trong nền kinh tế, ảnh hưởng tới hoạt động của những công ty khỏe mạnh, cũng như có nguy cơ tạo ra phản ứng dây chuyền khi sụp đổ.

AMC Entertainment - chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ - có thể được coi là một "doanh nghiệp thây ma". (Ảnh: Diego M. Radzinschi/ALM).

"Doanh nghiệp thây ma" hay "doanh nghiệp xác sống" là những công ty gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc các ngân hàng mất khả năng thanh toán về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn tránh được sụp đổ. Theo Bloomberg, mối nguy từ nhóm doanh nghiệp này đang ngày càng hiện hữu.

Điều kiện tài chính thắt chặt hơn đang có nguy cơ tạo thêm doanh nghiệp thây ma mới và giết chết những công ty đang bên bờ vực phá sản. Các ngân hàng trung ương đang phải cân bằng giữa việc hạ nhiệt làm phát và không tạo ra thêm thây ma mới.

Doanh nghiệp thây ma là gì?

Doanh nghiệp thây ma là những tổ chức không kiếm đủ tiền để trang trải lãi vay trong một thời gian dài. Trong báo cáo tài chính, tình trạng này được biểu thị ở tỷ lệ thanh toán lãi vay nhỏ hơn một.

Ông Ricardo Caballero, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã sử dụng cụm từ này vào năm 2008 để nhắc đến thập kỷ mất mát của Nhật Bản (những năm 1990). 

Tuy nhiên, thuật ngữ này được sử dụng lần đầu vào những năm 1980 bởi ông Edward Kane của Đại học Boston nhằm mô tả các ngân hàng tiếp tục hoạt động dù trên thực tế đã bị sụp đổ do thua lỗ vì các khoản vay thế chấp bằng bất động sản thương mại.

Số lượng doanh nghiêp thây ma trong những năm gần đây là cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), 15% công ty niêm yết tại các quốc gia phát triển được coi là thây ma vào năm 2017, tăng từ 4% vào cuối những năm 1980.

Một phân tích của Goldman Sachs vào năm 2022 cho rằng, khoảng 13% doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ có thể là thây ma. Một nghiên cứu bởi Fed cho thấy số lượng doanh nghiệp thây ma dao động trong khoản 10% từ năm 2000 đến 2020, với con số tăng lên vào thời kỳ suy thoái.

Các công ty như AMC Entertainment hay Carnival đã bị coi là doanh nghiệp xác sống tại Mỹ trong những năm gần đây. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) ước tính rằng trong những năm trước khi xảy ra đại dịch, khoảng 5% công ty tại châu Âu đang trong cảnh sống dở chết dở.

Từ năm 2016, Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt cải cách về phía cung nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp xác sống, đặc biệt trong ngành thép và than.

Điều gì gây ra sự trỗi dậy của doanh nghiệp thây ma?

Doanh nghiệp thây ma tồn tại bằng tiền rẻ. Những công ty này đã phát triển trong thập kỷ qua khi ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID, nhiều ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cơ bản tới mức thấp kỷ lục, còn số khác lại tăng cường mua trái phiếu để kéo lợi suất xuống.

Tác dụng của những chính sách nới lỏng trên tới doanh nghiệp hiện vẫn đang được tranh luận. Vào năm 2021, Fed cho biết công ty thây ma không được hưởng lợi từ các mức lãi suất đặc biệt trong thời đại dịch. Những người khác lại cho rằng doanh nghiệp thây ma đang ẩn nấp, không thể nhìn thấy cho tới khi lãi suất tăng vọt.

Fed đã nâng lãi suất với tốc độ chóng mặt trong năm vừa qua.

Chi phí trả nợ tăng cao có thể đẩy một doanh nghiệp dễ bị tổn thương vào tình trạng sống dở chết dở, và lãi suất đang đi lên ở khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, khoảng 36% các nhà phát triển bất động sản được niêm yết của Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc trả nợ vào năm ngoái, tăng từ 29% vào năm 2021.

Tại những quốc gia với chi phí đi vay còn thấp, tỷ lệ này không tăng quá nhanh. Khoảng 13% doanh nghiệp Nhật Bản bị coi là thây ma trong năm kết thúc vào tháng 3/2022, theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank. Tỷ lệ doanh nghiệp thây ma đã tăng từ mức 9,9% của năm ngoái, nhưng vẫn là tương đối thấp. Hiện Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Thây ma len lỏi vào ngành ngân hàng

Sự hỗn loạn trên thị trường sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3 phản ánh lo ngại rằng lãi suất cao đã làm suy yếu những bộ phận quan trọng của ngành ngân hàng. Vấn đề của SVB và Signature Bank - ngân hàng cũng bị đóng cửa bởi các cơ quan quản lý - bắt nguồn từ những khoản lỗ chưa thực hiện do trái phiếu giảm giá khi lãi suất tăng. 

Vào cuối năm 2022, toàn ngành ngân hàng Mỹ đã phải gánh khoản lỗ chưa thực hiện lên tới 620 tỷ USD. Các ngân hàng nhỏ hơn cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng khi các quỹ thị trường tiền tệ, với lợi suất cao hơn, đang hút tiền gửi.

Các ngân hàng khu vực buộc phải lựa chọn: hoặc mất hàng tỷ USD tiền gửi, hoặc nâng lãi suất tiết kiệm và chịu thiệt hại về lợi nhuận.

Tác động tới nền kinh tế

Các doanh nghiệp thây ma đang hút dòng vốn mà lẽ ra những công ty sáng tạo có thể sử dụng để đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ mới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), hoạt động đầu tư của một công ty bình thường sẽ cao hơn trung bình 2% trong năm 2013 nếu tỷ lệ doanh nghiệp thây ma bằng với năm 2007.

Doanh nghiệp thây ma khi sụp đổ còn gây tình trạng mất việc làm, giảm tiêu dùng, thắt chặt hoạt động cho vay và cuối cùng đẩy những công ty khác đến gần bờ vực phá sản.

 

Giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế là giúp đỡ doanh nghiệp thây ma thoát khỏi cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, việc hiện tượng này kéo dài dai dẳng cho thấy mục tiêu này khó thực hiện đến thế nào.

Nghiên cứu của BIS cảnh báo rằng có 85% khả năng các doanh nghiệp thây ma tiếp tục gặp khó khăn trong năm tiếp theo, tăng từ 70% vào cuối những năm 1990. Một phần của vấn đề trên là bởi chính phủ muốn hạn chế việc các doanh nghiệp thây ma phá sản, hoặc phải đóng cửa các ngân hàng.

Minh Quang