Giới chuyên gia kinh tế: Hệ thống ngân hàng Mỹ mới đáng lo, không phải châu Âu
Chủ đề trọng tâm tại Diễn đàn Ambrosetti ở Italy cuối tuần qua là liệu thị trường tài chính có tiếp tục bất ổn sau những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng hay không, đặc biệt là khi các điều kiện tài chính đang dần bị thắt chặt lại.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và một số ngân hàng khu vực khác của Mỹ cùng với thương vụ giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của UBS tại Thụy Sỹ đã làm dấy lên lo ngại về thiệt hại trên quy mô rộng lớn hơn.
Các nhà hoạch định chính sách ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã hành động quyết đoán để ngăn khủng hoảng lây lan và cam kết sẽ hỗ trợ thêm nếu cần. Thị trường tài chính đã có dấu hiệu phục hồi trong tuần này.
Chia sẻ bên lề với CNBC, ông Valerio De Molli, CEO The European House – Ambrosetti (đơn vị tổ chức Diễn đàn Ambrosetti), cho biết “tình trạng bất ổn và tâm lý lo lắng” sẽ tiếp tục phá hoại thị trường năm nay.
“Yếu tố đáng ngại hơn là những trục trặc của ngành ngân hàng, nhưng vấn đề của châu Âu không nghiêm trọng lắm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm rất tốt, Ủy ban châu Âu (EC) cũng vậy”, ông De Molli nói.
“Hệ thống ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng rất ổn định, lành mạnh và có lãi, nhưng chuyện gì có thể xảy ra ở Mỹ lại là một bí ẩn”, vị CEO bày tỏ sự lo lắng.
Theo CNBC, ông De Molli cho rằng cú sụp của SVB có thể sẽ là “sự kiện đầu tiên trong một chuỗi sụp đổ”.
Song, ông lưu ý rằng “những bài học kinh tế của chính phủ toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu” đã cho phép khu vực eurozone củng cố “sự vững mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng”, khiến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 “không thể lặp lại”.
Ông George Papaconstantinou, giáo sư tại Viện Đại học châu Âu và từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, cũng bày tỏ lo ngại về Mỹ.
“Chúng tôi đã học được rằng chính sách tài khoá và tiền tệ cần phải phối hợp với nhau, chúng tôi cũng học được rằng bạn phải đi trước thị trường, phản ứng tốc độ và đôi khi phải phản ứng áp đảo, nên châu Âu vẫn ổn”, ông cho hay.
Vị giáo sư nói thêm rằng kết cục của SVB và Credit Suisse là do “thất bại trong quản trị rủi ro” và trong trường hợp của SVB còn là do “thất bại trong chính sách của Mỹ”.
Ông đề cập đến việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thông qua một đạo luật mới vào năm 2018, qua đó để lọt lưới nhiều rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã triển khai các bài kiểm tra khả năng chịu đựng rủi ro của ngành ngân hàng, nhưng chỉ đối với các nhà băng lớn nhất.
Sau đó, Đạo luật Dodd-Frank ra đời, bắt buộc Fed phải kiểm tra tất cả ngân hàng nắm giữ tài sản từ 50 tỷ USD trở lên, bắt đầu từ năm 2013. Bài kiểm tra có tên Phân tích và Đánh giá Vốn Toàn diện và diễn ra khá khắt khe.
Đạo luật năm 2018 của ông Trump quy định các nhà băng có từ 100 tỷ USD tài sản trở lên mới phải làm kiểm tra.
Đồng thời, đạo luật mới cũng thiết lập các tiêu chuẩn khác nhau cho hai nhóm nhà băng, qua đó giúp một số ngân hàng khu vực thoát khỏi các bài kiểm tra khó nhằn nhất theo Đạo luật Dodd-Frank.
Các nhà băng có tài sản trong khoảng 100 - 250 tỷ USD, tức các ngân hàng hạng trung, chỉ bị kiểm tra hai năm một lần, vào các năm chẵn; còn, các ngân hàng lớn với trên 250 tỷ USD tài sản như JPMorgan Chase phải làm kiểm tra mỗi năm.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, mặc dù khen ngợi những tiến bộ của châu Âu, giáo sư Papaconstantinou nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để kết luận về độ an toàn của hệ thống ngân hàng khu vực.
Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một môi trường mà lãi suất đang tăng nhanh, do đó giá trái phiếu sẽ phải giảm. Rất có thể nhiều ngân hàng đang bị lỗ, bởi họ đã đầu tư vào các công cụ dài hạn, đó chính là vấn đề”.
“Chúng ta cũng đang ở trong một môi trường lạm phát cao, do đó rất nhiều khoản vay mà các ngân hàng cấp với mức lãi suất thấp sẽ trở thành vấn đề cho họ. Môi trường hiện nay không hề dễ chịu.
Đây không phải thời điểm chúng ta có thể điềm nhiên cho rằng ‘ổn rồi, chỉ hai trục trặc nhỏ thôi và chúng ta có thể tiếp tục hoạt động như bình thường’. Hoàn toàn không phải vậy”, vị giáo sư nói tiếp.