Trùng hợp mục tiêu tăng trưởng năm 2021 và 2023 đều khiêm tốn, phải chăng Trung Quốc sẽ lần nữa tăng cường giám sát doanh nghiệp?
Vì sao đề ra mục tiêu khiêm tốn?
Sau khi Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách Zero COVID ba tháng trước, công chúng đã hy vọng rằng đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu của nhiều hàng hoá và dịch vụ, từ dầu mỏ, quặng sắt đến du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ phải thất vọng. Tại phiên họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) hôm 5/3, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5%” cho năm 2023, mức thấp nhất trong lịch sử.
Trước đó, các chuyên gia phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên mức 5%. Ước tính trung vị của các nhà kinh tế mà CNBC đã khảo sát là 5,24%.
Hàng năm, ngoại trừ trong giai đoạn đại dịch hoành hành hồi năm 2020, Bắc Kinh đều đặt mục tiêu tăng trưởng GDP. Các kế hoạch này không nhất thiết phải phản ánh tình hình thực tế của nền kinh tế.
Song, theo nhận định của Bloomberg, mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh có thể tiết lộ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách cấp cao và đôi khi có thể là những chương trình nghị sự mà chính phủ chưa muốn công khai.
Chẳng hạn, vào năm 2021, rõ ràng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi từ mức tăng trưởng thấp trong năm trước, khi tình hình dịch bệnh đã bớt nghiêm trọng hơn.
Năm đó, các nhà phân tích dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trên 8%, nhưng Bắc Kinh chỉ đặt mục tiêu trên 6%, về cơ bản không thay đổi so với phạm vi 6 - 6,5% của năm 2019.
Cuối cùng, công chúng đã nhìn thấy những chiến dịch kiểm soát của Bắc Kinh với các nhà phát triển bất động sản nặng nợ và những công ty công nghệ lớn.
Theo nhận định của Bloomberg, các quan chức Trung Quốc có thể đã cảm thấy rằng họ có nhiều cơ hội và dư địa để kiềm chế các doanh nghiệp tư nhân hoạt động không theo lề lối.
Kết quả là, nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 vẫn rất ổn định và Bắc Kinh dễ dàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, bất chấp các chiến dịch kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản.
Trong tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi lành mạnh. Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến đã nâng dự báo của họ.
Trái với con số 4,8% vào đầu tháng 1, giờ đây giới chuyên gia dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng 5,3% trong năm nay.
Ngay cả các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh cũng ngạc nhiên trước khả năng vực dậy của nền kinh tế, theo thông tin do Bloomberg ghi nhận được.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã được yêu cầu truyền đạt tại NPC rằng các nhà lãnh đạo hài lòng với cuộc phục hồi đang diễn ra.
Nguồn tin khác nói Bắc Kinh không quá nhấn mạnh vào việc kích thích nền kinh tế ngay bây giờ, nhu cầu tung ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng là vừa phải. Chính phủ muốn tìm cách “giữ vững” tăng trưởng hơn là hỗ trợ thêm.
Vì vậy, cần đặt câu hỏi tại sao chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng thấp và duy trì quan điểm thận trọng như vậy.
Theo Bloomberg, có khả năng việc siết chặt quy định và kiểm soát doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa kết thúc. Tại phiên họp của Quốc hội hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ hạn chế sự mở rộng một cách vô tổ chức trong lĩnh vực bất động sản.
Đâu là mục tiêu tiếp theo?
Khu vực tư nhân có lẽ không còn là mục tiêu chính của cuộc giám sát, Bloomberg dự đoán. Trong những ngày gần đây, chính phủ đã tăng cường điều tra các công ty tài chính thuộc sở hữu nhà nước, khiến nhiều banker tên tuổi gặp rắc rối.
Ông Bao Fan, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của China Renaissance, đã mất tích bí ẩn một thời gian, khiến cổ phiếu của ngân hàng đầu tư này có thời điểm lao dốc gần 50%. China Renaissance cho biết họ không thể liên lạc được với ông Bao.
Đến tuần trước, China Renaissance thông báo ông Bao đang hợp tác với một cuộc điều tra của cơ quan quản lý, song không tiết lộ thêm chi tiết nào khác.
Khối nợ ẩn của chính quyền các địa phương có thể là một lĩnh vực khác mà Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát trong tương lai.
Trong thời đại dịch, các khoản vay nợ của chính quyền nhiều thành phố đã nhảy vọt, lên mức dễ gây rủi ro. Các khoản thanh toán lãi đã lấy đi hơn 105 doanh thu tài khoá của họ.
Năm ngoái, tổng hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương là 4.150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 601 tỷ USD). Năm nay, Bắc Kinh cấp hạn ngạch khoảng 3.800 tỷ nhân dân tệ.
Nếucác chiến dịch kiểm soát tiếp theo của chính phủ Trung Quốc nhắm vào những lĩnh vực kể trên, một số hệ luỵ có thể xảy ra.
Chẳng hạn, nhân viên của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước có thể ngần ngại phê duyệt các khoản vay và chính quyền khu vực sẽ không có ngân sách để chi cho cơ sở hạ tầng.
Sau khi đất nước tỷ dân mở cửa trở lại, các nhà đầu tư dài hạn trên toàn cầu hầu như đều đứng ngoài cuộc, chỉ các quỹ phòng hộ nhanh nhạy và muốn nắm bắt cơ hội mới nhảy vào giao dịch các tài sản Trung Quốc.
Trong bối cảnh Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng thấp như vậy và các chính sách siết chặt kiểm soát của chính phủ có thể chưa chấm dứt, các nhà quản lý tài sản truyền thống nhiều khả năng sẽ chưa quay lại Trung Quốc.