|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ sinh viên: Quả tạ kéo lùi dân số, đe dọa tăng trưởng kinh tế Mỹ

17:30 | 02/03/2023
Chia sẻ
Tỷ phú Elon Musk từng cảnh báo tỷ lệ sinh thấp có thể khiến văn minh nhân loại sụp đổ. Ngay cả Mỹ cũng không thoát rủi ro này và nợ sinh viên là một trong những nguyên nhân chính.

Tỷ lệ sinh của Mỹ sụt giảm, một phần do nợ sinh viên phình to. (Ảnh minh hoạ: Fortune/Getty Images).

Tháng 7 năm ngoái, tỷ phú Elon Musk cảnh báo rằng tỷ lệ sinh thấp có thể dẫn đến sự sụp đổ của xã hội. CEO của hãng xe điện Tesla nhấn mạnh: “Nếu mọi người không sinh đẻ nhiều hơn, nền văn minh nhân loại sẽ lụi tàn”.

Ngay cả siêu cường lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi rủi ro này, bởi người trẻ tại Mỹ ngày càng né tránh chuyện kết hôn và sinh con. Trong các nguyên nhân chính, điều gây bất ngờ nhất có lẽ là các khoản nợ sinh viên.

Đổ nợ vì sự nghiệp đèn sách

Báo cáo công bố hồi đầu tháng 2 của Fed chi nhánh New York cho thấy, tính đến hết quý IV/2022, tổng nợ hộ gia đình tại Mỹ đã tăng 394 tỷ USD lên 16.900 tỷ USD, nợ sinh viên chỉ xếp sau nợ vay thế chấp mua nhà.

Khoảng 45 triệu sinh viên Mỹ đang nợ 1.600 tỷ USD, tăng 21 tỷ USD so với quý III. Trong nhiều thập kỷ qua, nợ sinh viên tại Mỹ gần như chỉ có một xu hướng duy nhất, đó là đi lên.

 

Người trẻ là đối tượng đi vay nhiều nhất. Những người trong độ tuổi 25 - 34 có khoản vay sinh viên trị giá khoảng 500 tỷ USD, phần lớn nợ từ 10.000 - 40.000 USD/người.

Tuy nhiên, có những người mắc nợ kéo dài từ thời đại học đến độ tuổi trung niên và hơn thế nữa. Những người từ 35 đến 49 tuổi đang nợ hơn 620 tỷ USD tiền vay sinh viên. Trung bình mỗi người nợ hơn 100.000 USD.

Ngay cả những người đã về hưu cũng cảm thấy áp lực từ các khoản vay sinh viên, bởi có khoảng 2,4 triệu người từ 62 tuổi trở lên nợ 98 tỷ USD.

Gói vay tiêu chuẩn cho phép sinh viên Mỹ trả nợ trong 10 năm. Tuy nhiên, chia sẻ với CNBC hồi cuối tháng 2, chuyên gia giáo dục Mark Kantrowitz cho biết nhiều người không thể trả kịp nợ.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Mỹ, một sinh viên tốt nghiệp đại học trung bình cần 17 năm để hoàn trả khoản vay cho chính phủ.

 

Tại sao sinh viên Mỹ nợ nần nhiều như vậy? Nguyên nhân chủ yếu đến từ gánh nặng học phí và các chi phí học tập đắt đỏ khác tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong 30 năm từ 1991 - 1992 đến 2021 - 2022, học phí trung bình mỗi năm cho 4 năm đại học tại Mỹ đã tăng hơn hai lần, dữ liệu đã điều chỉnh theo lạm phát từ tổ chức College Board chỉ ra.

Đối với các trường đại học công cộng, học phí trung bình đi từ mức 4.550 lên 11.640 USD, còn tại các trường tư là từ 21.140 lên 41.230 USD.

Trước kia, đại học là thứ dành cho giới thượng lưu. Nếu không trang trải được chi phí, người trẻ Mỹ trong quá khứ không thể theo đuổi các chương trình học tập cao hơn.

Điều này bắt đầu thay đổi vào năm 1944 khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật G. I. Đây là một chính sách chưa từng có tiền lệ, chính phủ sẽ tài trợ ngân sách để các cựu chiến binh từ Thế chiến II đi học đại học.

Chính phủ Mỹ dĩ nhiên không thể mãi chi tiền. Vì vậy, đến năm 1958, nước này bắt đầu triển khai các khoản vay sinh liên bang đầu tiên, dù quy mô còn rất hạn chế. Mục đích khi đó là khuyến khích người trẻ nghiên cứu các môn học giúp Mỹ cạnh tranh với Liên Xô trong cuộc đua vũ trụ.

Hệ thống cho vay sinh viên ngày nay là kết quả của Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965. Đạo luật này được thiết kế nhằm “tăng cường tài nguyên giáo dục cho các trường cao đẳng và đại học, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong chương trình giáo dục sau trung học và đại học”.

Hỗ trợ tài chính chủ yếu đến dưới hai hình thức: các khoản tài trợ không cần hoàn lại và các khoản vay sinh viên lãi suất thấp. Các khoản vay chỉ được dành cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập cao, có khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, trong suốt những năm 1970, 1980 và đầu thập niên 1990, Quốc hội tiếp tục thông qua các chính sách mới, mở rộng đối tượng vay vốn, loại bỏ các yêu cầu thu nhập và cho phép phụ huynh vay vốn cho con cái họ.

Một thay đổi mang tính bước ngoặt cũng diễn ra vào cùng thời điểm này, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Chính quyền của ông Reagan chủ trương coi việc học đại học là trách nhiệm của cá nhân. Do đó, chính phủ dần giảm bớt các khoản tài trợ và tăng dần các khoản cho vay.

 

Song, nền kinh tế Mỹ không còn ưu ái người dân như trước. Cùng với chi phí đại học, chi phí sinh hoạt đã nhảy vọt, trong khi thu nhập hộ gia đình không thay đổi mấy kể từ cuối những năm 1990. Do đó, sinh viên muốn có bằng cấp cao hầu như chỉ có một lựa chọn: vay nợ nhiều hơn.

Có một yếu tố ít được quan tâm trong câu chuyện nợ nần này, đó là những tác động lâu dài của cuộc đại suy thoái năm 2007 - 2009. Khi doanh thu thuế giảm mạnh, các bang phải tìm cách cắt giảm chi tiêu và một số quyết định siết tài trợ cho hệ thống giáo dục.

Cùng lúc, các hộ gia đình cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, từ mất việc làm, nhà cửa cho đến cạn tiền tiết kiệm. Song, họ phải “lấp vào phần còn trống”. Kết quả là, sinh viên phải vay nợ hơn nữa.

Tỷ lệ sinh sụt giảm

Giờ đây, nước Mỹ phải gánh chịu hậu quả từ chương trình cho vay vốn sinh viên của chính họ, tác động có thể kéo dài đến nhiều thế hệ.

Theo nghiên cứu mới từ công ty cho vay Lendkey Technologies, nợ sinh viên đang đè nặng lên quyết định của người trẻ Mỹ về đời sống tình cảm cá nhân.

Khoảng 33% người được khảo sát trong độ tuổi 18 - 34 cho biết họ muốn hoãn kết hôn hoặc sinh con cho đến khi thanh toán xong nợ sinh viên. Khảo sát được tiến hành trên 1.037 người đã tốt nghiệp đại học trên toàn nước Mỹ.

Khảo sát trên 2.000 người của công ty xử lý nợ National Debt Relief cho thấy, cứ 3 trong 5 người Mỹ cân nhắc hoãn kết hôn để tránh khiến vợ/chồng mang nợ. Hầu hết còn tin rằng nợ nần là một nguyên nhân chính đáng dẫn đến ly hôn.

Việc người vay vốn sinh viên do dự tiến tới hôn nhân đã góp phần làm tỷ lệ sinh tại Mỹ tụt xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Nhà xã hội học Arielle Kuperberg và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu cho vay quốc gia. Họ phát hiện những nhận định trên là có cơ sở.

 

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong số những phụ nữ sinh ra vào đầu thập niên 1980, có bằng đại học và từng vay vốn sinh viên, 60% có con trước độ tuổi 40; trong khi tỷ lệ những người không vay sinh con trước độ tuổi này là 67,5%.

Cách biệt 7,5 điểm % đó là “rất lớn về mặt sinh sản”. Năm 2020, tỷ lệ sinh của Mỹ là 1,64 trẻ em/phụ nữ - thấp hơn mức cần thiết 2,1 để duy trì dân số ổn định theo định nghĩa của OECD.

Hệ luỵ kinh tế lâu dài

Khi tỷ lệ sinh sụt giảm, dân số có thể sẽ trở nên già hoá, dẫn đến lực lượng lao động thu hẹp. Nếu xu hướng này xảy ra cùng với việc năng suất lao động đi xuống, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, năng suất lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2022 đã giảm 1,5% so với năm trước đó.

Cùng lúc, Mỹ đang bị thiếu nhân công. Quá nhiều người lớn tuổi đã rời khỏi lực lượng lao động, trong khi có quá ít người trẻ để thay thế họ. Tính đến tháng 12/2022, Mỹ đang có hơn 11 triệu cơ hội việc làm, nhưng chỉ có hơn 5,7 triệu người thất nghiệp.

Theo dự báo của Cục Điều tra Dân số Mỹ, năm 2034 sẽ đánh dấu lần đầu tiên người lớn tuổi đông hơn trẻ em. Tỷ lệ dân số dưới 20 tuổi đã giảm dần, từ mức 27% năm 2007 xuống 25% vào 2020.

 

 

Vấn đề ngại sinh đẻ của người Mỹ có thể sẽ không đáng ngại nếu nước này có đủ người lao động nhập cư để lấp đầy chỗ trống. Song, kể từ năm 2016, số lượng dân nhập cư vào Mỹ đã liên tục giảm.

Chưa kể, sự thay đổi về nhân khẩu học còn đang kéo chi phí trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như vận tải, sản xuất và xây dựng đi lên, góp phần kích thích lạm phát - một vấn đề đang khiến Fed đau đầu. Phần lạm phát này khó có thể biến mất trong nay mai, nếu tỷ lệ sinh của Mỹ không cải thiện.

Tóm lại, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ có thể sẽ trở thành một cú sốc kinh tế vĩ mô tác động đến nhiều thế hệ. Tổng thống Joe Biden đã đề xuất xoá nợ cho khoảng 26 triệu sinh viên theo Đạo luật HEROES năm 2020, nhưng nỗ lực của ông đang vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hoà và phải chờ phán quyết của Toà án Tối cao.

Yên Khê