Tương lai nào cho ngành sản xuất của Trung Quốc khi thiếu thốn cả lao động lẫn công nghệ cao?
“Khủng hoảng tiềm tàng”
Tại một nhà máy ở thành phố Thiên Tân, một miếng kim loại tráng phủ được cẩn thận đưa vào lò công nghiệp. Sự chính xác của công đoạn này cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ quyết định xem liệu thiết bị mà miếng kim loại đó tạo thành sẽ tồn tại được trong 10 hay 50 năm.
Tuy nhiên, dữ liệu từ bên trong lò không được xử lý tại chỗ mà được gửi sang Đức. Các kỹ sư châu Âu mới là người giám sát quá trình công nghệ cao này từ trụ sở của chủ sở hữu nhà máy. Do không được tiếp cận với công nghệ cốt lõi, phía Trung Quốc chỉ được giao nhiệm vụ vận hành máy móc đơn thuần.
Ví dụ trên cho thấy rào cản lớn mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt: thu hẹp khoảng cách kỹ thuật với phương Tây khi cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại toàn cầu trở nên gay gắt hơn.
Báo cáo tháng 3 của công ty chứng khoán Zheshang Securities nhấn mạnh: “Nguồn cung của nhiều công nghệ cốt lõi và phần mềm trung gian quan trọng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài”.
Thách thức thứ hai mà các nhà máy Trung Quốc đối mặt là nhân lực. Trung Quốc vẫn đang cung cấp cho doanh nghiệp lao động giá rẻ, nhưng một loạt thay đổi mang tính xã hội, công nghiệp và chuỗi cung ứng đã gây ra tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề.
Tự động hóa đang ngày càng được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, để vận hành và sửa chữa phần mềm và máy móc, các nhà máy vẫn rất cần các chuyên gia kỹ thuật.
Nếu không thể tìm được nhân sự chất lượng cao, các công ty có thể phải cắt giảm đơn hàng. Trên quy mô toàn quốc, tình trạng thiếu hụt lao động có nguy cơ gây ra hậu quả sâu rộng trong khi Trung Quốc cố gắng phục hồi nền kinh tế sau ba năm theo đuổi chiến lược chống dịch khắc nghiệt.
Khảo sát của Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội Trung Quốc phát hiện rằng đến năm 2025, ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ có gần 30 triệu việc làm không được lấp đầy, tương đương gần một nửa số công việc trong toàn ngành.
Sự thiếu hụt các kỹ sư lành nghề đang gây áp lực lên doanh nghiệp và cản trở nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực sản xuất thông minh của đầy tham vọng của Trung Quốc. Trong khi đó, đây lại là lĩnh vực mà Bắc Kinh kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế quốc gia trong tương lai, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.
Cũng tại thành phố Thiên Tân, chủ sở hữu một công ty đóng tàu đang lo lắng về việc không thể thuê đủ nhân viên để đáp ứng nhu cầu. Ông cho biết có rất ít người trẻ muốn làm việc trong xưởng đóng tàu, và ông đã phải tăng lương để để hoàn thành đơn hàng.
Vị doanh nhân họ Wu nói thêm: “Nếu lương công nhân cứ tăng mãi, chi phí sẽ đi lên và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Nếu doanh nghiệp không thể kiếm lời thì họ có thể phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, và người lao động sẽ không kiếm được việc làm – đây là vòng luẩn quẩn tai hại”.
Không dễ giải quyết
Trung Quốc đang thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp cho học sinh để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Tuy nhiên, quá trình này cần có thời gian để tạo ra kết quả. Do đó, lao động lành nghề có vẻ vẫn sẽ ở trong tình trạng thiếu hụt trong tương lai gần.
Theo một báo cáo được công bố tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc có hơn 400 triệu lao động cổ cồn xanh trong năm 2021, chiếm hơn một nửa dân số trong độ tuổi làm việc. Nhưng phần lớn những người trong số đó không có các kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang rất “khát” nhân lực, nhưng những người trẻ tuổi lại quay lưng với nhà máy bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao.
Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc đã tăng từ 16,7% trong tháng 12/2022 lên 18,1% vào tháng 2 năm nay, tờ SCMP cho biết.
Ông Christoph Schrempp, Giám đốc của Trung tâm Hoàn thiện và Giao hàng của Airbus ở Thiên Tân, cho rằng chính phủ Trung Quốc cần cung cấp cho những người lao động có tay nghề cao nhiều cơ hội thăng tiến hơn và giúp họ có thêm sự tôn trọng của xã hội.
Ông nhấn mạnh: “Đẻ giải quyết được bài toán nhân lực, điều quan trọng là thay đổi nhận thức của công chúng và giúp mọi người hiểu rằng các công nhân không còn giống như 50 năm trước”.