|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc bạo chi 1.800 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế

10:51 | 11/04/2023
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dựa vào chiến lược tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng. Song, áp lực nợ của Trung Quốc sẽ gia tăng cùng với chi tiêu của các chính quyền địa phương.

Một tòa nhà cao tầng đang được xây dựng tại Trung Quốc. (Ảnh: AP). 

Trong năm nay, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc dự định sẽ tăng chi tiêu cho các dự án xây dựng lớn thêm gần 20%. Bắc Kinh đang dựa vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng vẫn chưa có cú bật đáng kể sau khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ.

Khoảng 2/3 các khu vực của Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiêu cho những dự án lớn như cơ sở hạ tầng vận chuyển, khu công nghiệp và sản xuất năng lượng trong năm nay.

Tổng số tiền chi tiêu lên đến hơn 12.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.800 tỷ USD), theo tính toán của Bloomberg dựa trên các tuyên bố của chính quyền và truyền thông nhà nước Trung Quốc. Quy mô của các khoản chi cao hơn 17% so với năm ngoái.

 

Trung Quốc vẫn đang kỳ vọng sự hồi phục của chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Tuy nhiên, những vết sẹo kinh tế do đại dịch gây ra cho thấy sự phục hồi về việc làm và thu nhập có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Kế hoạch chi tiêu của các tỉnh càng tăng tính thuyết phục cho lập luận của một số chuyên gia rằng đầu tư cho sản xuất và cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc.

Các kế hoạch này nhấn mạnh sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào chiến lược cũ là sử dụng đầu tư để thúc đẩy việc làm và thu nhập hộ gia đình, thay vì trực tiếp trợ cấp cho người dân.

Phân tích của Bloomberg cho thấy chi tiêu của chính quyền địa phương đang đổ vào những lĩnh vực như năng lượng và sản xuất công nghệ cao. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tập trung vào khả năng tự chủ công nghệ và an ninh năng lượng khi sự cạnh tranh và căng thẳng chính trị với Mỹ leo thang.

Đồng thời, số tiền chi tiêu lớn cho các dự án báo hiệu rằng khối nợ của chính quyền và doanh nghiệp sẽ đi lên, làm gia tăng nỗi lo của các nhà đầu tư về ổn định tài chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tổng khối nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ tương đương 123% GDP trong năm nay -tăng khoảng 12 điểm %. Ước tính nợ của doanh nghiệp sẽ tương đương 117% GDP, tăng 4 điểm %.

Làn sóng xây dựng

Dữ liệu gần đây cho thấy làn sóng xây dựng hạ tầng có thể đã bắt đầu bùng nổ. Trong tháng 3, một chỉ số đo lường hoạt động xây dựng đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Ông Jeremy Stevens, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của tập đoàn tài chính Standard Bank Group, nhận định rằng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và sản xuất vẫn tiếp tục “đóng vai trò thiết yếu với nền kinh tế” do các hộ gia đình vẫn thận trọng về triển vọng việc làm và thu nhập. Ông dự đoán đầu tư cố định vào cơ sở hạ tầng sẽ tăng 5-10% trong năm 2023.

Ông nói tiếp: “Đầu tư cho tài sản cố định tại Trung Quốc sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, ít nhất là trong nửa đầu năm nay. Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đang kỳ vọng rằng chi tiêu cho các dự án sẽ thúc đẩy cuộc phục hồi kinh tế, rồi đến một lúc nào đó họ có thể chuyển nhiệm vụ này cho các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình”.

 

Cú hích cho cơ sở hạ tầng nhiều khả năng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu dành cho hàng hóa. Trong kịch bản hoạt động xây dựng tăng hơn 10% trong năm nay, hãng tư vấn Wood Mackenzie ước tính rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Nhu cầu dành cho than sẽ lập kỷ lục mới và nhu cầu về nhôm cũng sẽ tăng lên.

Trung Quốc muốn giảm sản lượng thép trong năm nay để theo đuổi các mục tiêu môi trường nhưng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vẫn có thể tăng nếu làn sóng xây dựng trở nên ít phụ thuộc vào thép hơn.

Ví dụ, xây dựng các khu công nghiệp chiếm khoảng 1/3 chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào năm ngoái và có xu hướng sử dụng ít thép hơn so với các loại hình cơ sở hạ tầng khác, nhà kinh tế Stevens cho hay.

Giang