|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành ngân hàng Trung Quốc vừa tránh được khủng hoảng, vừa tăng trưởng vốn hóa

14:24 | 09/04/2023
Chia sẻ
Ngành ngân hàng Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng vừa qua, đồng thời có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt khi nền kinh tế thứ hai thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

ICBC là ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và thế giới xét theo tổng tài sản. ICBC nắm trong tay số tài sản lớn gấp rưỡi JPMorgan Chase của Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Theo SCMP, phần lớn các nhà băng Trung Quốc đã tránh được cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, đồng thời ghi nhận tăng vốn hóa và chiếm 5 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng ngân hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

5 trong số 8 ngân hàng Trung Quốc nằm trong danh sách 20 nhà bằng lớn nhất khu vực châu Á của S&P Global Market Intelligence đã có vốn hóa tăng trong ba tháng đầu năm 2023, đi ngược với xu thế toàn cầu.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đứng đầu bảng, với mức tăng trưởng vốn hóa 3,9%, lên 221,27 tỷ USD. Giá trị thị trường của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã tăng 4,22%, giành vị trí thứ hai với 164,19 tỷ USD.

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China tăng hơn 7% lọt vào top 4 lần lượt với 155,93 và 135,77 tỷ USD vốn hóa. China Merchants Bank (CMB) đã cố gắng giữ vững vị trí thứ 5 mặc dù đã giảm 8,23% xuống còn 126,37 tỷ USD.

Trái ngược lại với tình hình khởi sắc nền kinh tế số hai thế giới, gần như mọi nhà băng không đến từ Trung Quốc trong danh sách đều chứng kiến sự sụt giảm vốn hóa trong giai đoạn này. 

Vốn hóa của đa số các ngân hàng Trung Quốc đều tăng, trong khi những ngân hàng khác tại châu Á có sự sụt giảm, ngoại trừ PT Bank (Indonesia).

Lĩnh vực ngân hàng quốc tế đã bị rung chuyển trong những tuần qua bởi sự sụp đổ của một loạt nhà băng như Silicon Valley Bank, Signature Bank tại Mỹ cũng như thương vụ giải cứu Credit Suisse ở Thụy Sỹ.

Báo cáo của S&P Global cho biết: “Những nhà băng tại Trung Quốc tương đối ít tiếp xúc với rủi ro từ ngành ngân hàng toàn cầu, đồng thời đã hưởng lợi từ sự phục hồi trong hoạt động cho vay khi nền kinh tế thứ hai thế giới thoát khỏi đại dịch COVID.

Ba nhà băng khác đến từ Trung Quốc trong danh sách của S&P Global là Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC) ở vị trí 12, Ngân hàng Truyền thông (BoComm) ở vị trí thứ 16 và Ngân hàng Công nghiệp (Industrial Bank) ở vị trí thứ 17.

 

Ngày 4/4, Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo rằng nhu cầu cho vay ảm đạm và biên độ lãi suất thu hẹp sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc trong năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết: “Nhu cầu thế chấp nhà ở và các khoản vay phát triển bất động sản sẽ tiếp tục yếu và ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng chung cho đến khi tâm lý người mua nhà được cải thiện”.

“Chúng tôi nhận thấy thêm áp lực đối với [biên lãi ròng] của các ngân hàng, do việc định giá lại thế chấp để giảm lãi suất và cạnh tranh tiền gửi đang diễn ra”, cơ quan này nhận định.

Minh Quang