Vì sao lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng Mỹ vẫn thấp dù Fed đã mạnh tay siết chặt chính sách?
Khi có tiền nhàn rỗi, điều đầu tiên mà một người bình thường có thể nghĩ đến là gửi vào ngân hàng để kiếm lãi. Song, thay vì đến ngân hàng thì trong những tuần gần đây người Mỹ đã gửi hàng trăm tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ và những tổ chức khác có lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Hiện tượng này là một trong những tâm điểm trên thị trường tài chính kể từ khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ, tờ MarketWatch cho biết.
Biến cố của hai nhà băng này đã làm dấy lên những câu hỏi về sự ổn định của hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng thời hướng sự chú ý vào các phương thức kiếm lời của người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất chính sách để kìm hãm lạm phát, nhưng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng Mỹ vẫn rất thấp. Trong khi lãi suất quỹ liên bang đã vào khoảng 4,75-5% thì lãi suất tại các ngân hàng vẫn chỉ ở quanh mức 0,2%.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến độ trễ là trong quá khứ, lãi suất chính sách của Fed thường mất vài quý để tác động đến lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn một năm vẫn còn rất thấp khi so với sự thay đổi của lãi suất quỹ liên bang.
Nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: “Chu kỳ tăng lãi suất gần nhất của Mỹ cho thấy mức độ truyền tải từ lãi suất chính sách đến lãi suất tiền gửi...đã trở nên hạn chế hơn. Từ khi chu kỳ thắt chặt chính sách bắt đầu cho đến lúc kết thúc, chỉ có khoảng 31% mức tăng của lãi suất quỹ liên bang truyền sang các khoản tiền gửi trả lãi”.
Nhưng chu kỳ hiện tại có vẻ giống với xu hướng trước khủng hoảng tài chính năm 2008 hơn. Theo Goldman Sachs, điều này có nghĩa là tỷ lệ truyền tải trong chu kỳ này có thể lên đến hơn 50%, tức là mỗi một điểm % tăng của lãi suất chính sách sẽ kéo lãi suất tiền gửi đi lên 0,5 điểm %.
Goldman Sachs cũng chỉ ra rằng sự cạnh tranh của các tổ chức tài chính và công cụ đầu tư khác có thể trở thành tác nhân buộc các nhà băng tăng lãi suất.
Quỹ thị trường tiền tệ là một loại quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ tài chính ngắn hạn và có thanh khoản cao. Các công cụ này bao gồm tiền và tương đương tiền, chứng khoán nợ có xếp hạng tín dụng cao và kỳ hạn ngắn, ví dụ như trái phiếu Kho bạc Mỹ. Quỹ thị trường tiền tệ thường được cho là có thanh khoản tốt và rủi ro thấp.
Lợi suất hiện tại của Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 6 tháng là 4,8%. Còn lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm – vốn nhạy cảm với chính sách tiền tệ - vào khoảng 3,8%, thấp hơn hẳn mức đỉnh 5% trong tháng 3. Điều này báo hiệu rằng các nhà đầu tư dự đoán rằng Fed sẽ sớm giảm lãi suất.