|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều nước bắt đầu rời bỏ USD, làm lung lay vị thế của Mỹ

06:37 | 05/04/2023
Chia sẻ
Một loạt sự kiện và xu hướng thay đổi gần đây đã giáng đòn mạnh vào sự thống trị của USD trên thị trường tài chính quốc tế. Ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn đồng nội tệ, hoặc một đồng tiền khác để dự trữ và giao dịch thay cho USD.

Nga, Trung Quốc đi tiên phong

Do lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng “vũ khí hóa” đồng USD của Washington, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm những giải pháp thay thế.

Kể từ năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và chịu sự trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Moscow đã bắt đầu quá trình phi USD hóa nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Nga (CBR) tăng  cường tích lũy vàng, trả bớt các khoản nợ và xây dựng “pháo đài kinh tế Nga”. 

Tới năm 2022, khi Mỹ và phương Tây áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản của CBR, cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, Moscow và Bắc Kinh đã cùng hợp lực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thiết lập cơ chế hợp tác giữa hai nền tài chính.

Kể từ tháng 2/2022 đến nay, hoạt động thương mại sử dụng cặp tiền tệ ruble-nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần. Nga và Iran cũng đang hợp tác nhằm phát hành đồng tiền mã hóa được bảo đảm bằng vàng, theo trang tin Vedmosti.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là của Nga và Trung Quốc), đã mua vàng với tốc độ cao nhất kể từ năm 1967. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Nga đang có dự trữ vàng hơn 2.300 tấn (134 tỷ USD), đứng thứ 5 trên toàn thế giới.

Nga, Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường tích lũy vàng trong những năm gần đây.

Xu hướng phi dollar hóa tăng tốc

Global Times trích dẫn thông tin từ AFP cho biết Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ, bỏ qua trung gian là USD. Nhân dân tệ (CNY) đã vượt qua EUR để trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ hai của Brazil vào cuối năm 2022.

Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Brazil (ApexBrasil) cho biết trong một tuyên bố: “Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm chi phí... thúc đẩy thương mại song phương lớn hơn nữa và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư”.

Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Brazil (ApexBrasil) phát biểu trong hội nghị với Trung Quốc hôm 29/3. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters).

Ngày 28/3, theo Business Times, Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ mua bán khí hóa lỏng (LNG) đầu tiên sử dụng nhân dân tệ. TotalEnergies - gã khổng lồ năng lượng đến từ Pháp - đã bán cho CNOOC của Trung Quốc 65.000 tấn LNG. TotalEngeries là một trong những doanh nghiệp năng lượng lớn và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, với doanh thu năm 2022 đạt hơn 263 tỷ USD.

Ấn Độ, quốc gia mà Mỹ đang muốn thu hút nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng đang rời bỏ đồng bạc xanh. Ngày 2/4, tờ Times of India dẫn lời Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Malaysia đã có thể sử dụng đồng rupee cho hoạt động thương mại.

Ngày 29/3, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc thảo luận về việc giảm sự phụ thuộc vào USD, EUR, yen Nhật (JPY) và GBP cho các giao dịch tài chính, và sử dụng đồng nội tệ để thay thế.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: “Hãy cẩn thận. Chúng ta phải nhớ đến những lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga”. Ông hối thúc việc phát triển những giải pháp thanh toán nội địa và nhấn mạnh rằng “thanh toán ở nước ngoài và mạng thanh toán Visa hay Mastercard sẽ không còn cần thiết nữa.”

Tháng 1/2023, Bộ trưởng Tài chính Arab Saudi, ông Mohammed Al-Jadaan, tuyên bố đất nước của ông sẵn sàng thảo luận việc thanh toán dầu mỏ bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD. Nga và Ấn Độ thậm chí còn đi xa hơn, khi Moscow chấp nhận đồng dirham UAE cho các giao dịch dầu mỏ. Theo Reuters, tổng giao dịch được chi trả bằng đồng dirham UAE giữa hai nước đã lên hàng trăm triệu USD.

Hoạt động thương mại sử dụng cặp tiền tệ ruble-nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bà Tu YongHong, giáo sự tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang tăng tốc sau khi quyền lực của người mua trên thị trường hàng hóa chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc.

“Mỹ đi từ nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất sang thành nhà xuất khẩu, trong khi đó, Trung Quốc lại trở thành nước mua dầu nhiều nhất thế giới”, bà giải thích.

Ông Dong Dengxin, Giám đốc Viện tài chính và Chứng khoán thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, nhận định: “Mỹ đã liên tục lạm dùng đồng USD [...] và gây tổn hại cho những nền kinh tế khác”. Theo ông Dong, khi thế giới hướng tới đa cực và Mỹ không còn là nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới, quyền bá chủ của đồng USD sẽ dần tan rã.

Trong những tháng gần đây, Brazil và Argentina cũng đã thỏa luận về việc tạo ra một đồng tiền chung cho hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. UAE và Ấn Độ đang thỏa luận sử dụng đồng rupee để thanh toán dầu mỏ.

Theo Sputnik, BRICS - khối kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đang có kế hoạch phát triển một loại tiền tệ mới. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Alexander Babakov cho biết đồng tiền mới có thể được bảo đảm bởi vàng, cũng như những loại hàng hóa khác như đất hiếm hay đất.

Hiện một số cường quốc về hàng hóa như Iran, Arab Saudi hay Algeria cũng đang thể hiện sự quan tâm, hoặc nộp đơn gia nhập BRICS.

Vì thế USD đang bị bào mòn từ từ.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ USD trong Tổng hợp dự trữ hối đoái chính thức toàn cầu (COFER) đã giảm từ khoảng 72% vào năm 1999 xuống chỉ còn 58,3% vào quý IV/2022. Các quốc gia trên thế giới đang tìm đến những loại tiền tệ khác, chẳng hạn như nhân dân tệ hay yen Nhật.

Sau Thế chiến I (1914-1918), Mỹ nhanh chóng trở thành một cường quốc về tài chính. USD bắt đầu thế chỗ cho bảng Anh (GBP) với vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng thời Mỹ cũng nhận được một lượng lớn vàng.

USD đóng vai trò ngày càng lớn hơn vào năm 1944, khi 44 nước ký kết thỏa thuận Bretton Woods, tạo ra một hệ thống trao đổi tiền tệ quốc tế được định giá bằng USD và USD được định giá bằng vàng. 

Đến cuối năm 1971, kinh tế Mỹ lạm phát và suy thoái, nhu cầu đổi USD sang vàng lên cao. Tổng thống Nixon đã phải chấm dứt chế độ bản vị vàng, và đồng USD không còn có thể quy đổi ra vàng. Thay vào đó, Mỹ ký thỏa thuận với Arab Saudi, thống nhất sử dụng USD để giao dịch dầu mỏ.

Vì dầu mỏ là nhiên liệu thiết yếu, vị thế USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế lại được củng cố. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngôi vương của USD đã có dấu hiệu lung lay.

Minh Quang