Tỷ phú Ray Dalio: Đồng USD mất vị thế thống trị, các nước trung lập lên ngôi
Lợi thế của các nước trung lập
Trong bối cảnh đồng USD mất dần sức ảnh hưởng và thế giới chia thành các khối kinh tế và tiền tệ cạnh tranh lẫn nhau, ông Dalio cho rằng các quốc gia ít bị tổn thương trước xung đột toàn cầu như Đông Nam Á sẽ phát triển thịnh vượng trong những năm tới.
Tỷ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ Bridgewater Associates quy mô 150 tỷ USD, cho rằng trật tự thế giới đang thay đổi giống với thời điểm trước và trong Thế chiến II hơn là thời kỳ hậu chiến. Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến chủ nghĩa dân túy và dân tộc quốc gia phát triển để chuẩn bị cho những xung đột lớn hơn”.
Ông Dalio so sánh những gì đang xảy ra hiện nay với Nhật Bản trước Thế chiến II. Ông nói: “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã khiến Nhật Bản theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và xung đột với các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ”.
Theo ông, nghiên cứu về các cuộc chiến tranh trong quá khứ cho thấy những nước tham chiến chịu tổn hại rất nhiều trong khi những nước không tham chiến thịnh vượng hơn. Ông lưu ý các nước trung lập còn phát triển tốt hơn những nước giành phần thắng trong chiến tranh.
Tuy nhiên, việc giữ thái độ trung lập sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Ông Dalio cảnh báo về những hậu quả và rủi ro lớn hơn trong cuộc xung đột hiện nay so với thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô chưa bao giờ là một cường quốc kinh tế có thể so sánh với Mỹ. Ngày nay, Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ kinh tế xứng tầm với Mỹ.
Kỷ nguyên USD và toàn cầu hóa mờ dần
Ông Dalio cho biết kỷ nguyên thống trị của đồng USD và nền kinh tế toàn cầu hóa đang phai tàn dần. Ông nói: “Hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến các cường quốc và đồng minh hình thành những khối kinh tế, tiền tệ và quân sự."
Bên cạnh Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, những nền kinh tế phát triển và nắm giữ đồng tiền chủ chốt, đang “ôm” khoản nợ rất lớn và ngày càng phụ thuộc vào hoạt động in tiền của ngân hàng trung ương để cho các chính phủ vay. Tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận thu về của những người nắm giữ nợ, khi tính điều chỉnh theo lạm phát.
Trước vấn đề trên, ông Dalio khuyến nghị nhà đầu tư nên đổ tiền vào các quốc gia có nền tài chính lành mạnh, không có xung đột nội bộ nghiêm trọng, ít bị tổn thương trước xung đột quốc tế và đang tiếp tục đổi mới.
Cụ thể, ông đánh giá tích cực về các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia và Việt Nam, cũng như Ấn Độ và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu. Ông nói: “Những người mong muốn toàn cầu hóa hiện nay sẽ nhìn xa hơn Mỹ, Trung Quốc và châu Âu”.
Ông nói: "Việc chống toàn cầu hóa sẽ diễn ra tại các cường quốc lớn và những nước đồng minh, nhưng các nước trung lập sẽ đóng vai trò là thiên đường cho những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa và tận hưởng sự thịnh vượng to lớn”.
Mexico là một ví dụ. Ông Dalio chia sẻ: “Bạn đang chứng kiến sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico vì thị trường này có chi phí thấp hơn và có thể xuất khẩu dễ dàng sang Mỹ”.
Rủi ro trong 2024
Ông Dalio xác định 2024 sẽ là thời kỳ đặc biệt rủi ro, khi xét đến các cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ và đảo Đài Loan. Ông nói: “Đài Loan sẽ là nhân tố tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Ông Dalio nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xảy ra xung đột, song ông cho rằng Trung Quốc sẽ không “chịu đựng” sự chia cắt với Đài Loan mãi mãi. Ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trước khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc.
Đối với Nhật Bản, ông Dalio đánh giá lựa chọn tốt nhất của nước này trong việc vượt qua những thách thức địa chính trị là tăng cường năng lực quân sự để không phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời củng cố quan hệ thương mại.