|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt sau khi hụt mục tiêu tăng trưởng năm 2022

10:31 | 18/01/2023
Chia sẻ
Hoạt động xuất khẩu sa sút, người dân ngần ngại chi tiêu và các làn sóng COVID hoành hành đang đe dọa cuộc phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023.

Một cửa hàng bán đồ trang trí tết ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters). 

Mơ ước "chữ V"

Trong năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu phục hồi sau khi chính phủ chấm dứt các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt. Nhưng sự giảm tốc của hoạt động xuất khẩu, sự gia tăng của việc tiết kiệm và nguy cơ COVID-19 tái bùng phát vẫn phủ bóng đen lên triển vọng của đất nước này.

Hôm 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 3% trong năm 2022, thấp hơn hẳn mục tiêu của chính phủ là khoảng 5,5%.

Các đợt phong tỏa và chính sách Zero COVID đã đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc trong hầu hết năm 2022. Các hạn chế đã được dỡ bỏ vào ngày 7/12, nhưng sự lây lan của dịch bệnh lại giáng đòn đau lên hoạt động chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh.

Tờ Nikkei Asia cho biết số ca nhiễm tại các thành phố lớn được cho là đã đạt đỉnh, và hoạt động kinh tế đang bắt đầu hồi phục. Lượng hành khách đi tàu điện ngầm trên 7 thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, đã tăng 26% vào ngày 7/12 sau khi có lúc giảm tới 39%.

Các chuyên gia dự báo của Trung Quốc đang kỳ vọng vào một cuộc phục hồi hình chữ V, tương tự như khi Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 8,4% vào năm 2021 sau khi giảm tốc xuống 2,2% trong năm 2020.

Ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, ước tính tăng trưởng GDP sẽ ở mức 8% trong năm 2023. Dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế thì kém lạc quan hơn, vào khoảng 5%.

Thách thức

Bất chấp những dấu hiệu tích cực gần đây, các nhà quan sát Trung Quốc đã chỉ ra ba yếu tố quan trọng có thể cản trở cuộc phục hồi kinh tế của nước này.

Yếu tố đầu tiên là xuất khẩu, động cơ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong suốt đại dịch. Nhu cầu quốc tế đã giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 20% trong ba năm qua.

Nhưng động lực từ xuất khẩu đang tiêu biến. Công ty chứng khoán Zhongtai Securities dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 3,7% trong năm 2023. Đà giảm tốc của nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của các chuỗi cung ứng hậu COVID-19 sẽ làm hao hụt nhu cầu dành cho các sản phẩm Trung Quốc.

Yếu tố khác là việc người dân Trung Quốc bớt mặn mà với chi tiêu. Khảo sát tiến hành vào quý IV/2022 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy hơn 60% người trả lời nói rằng họ sẽ để dành tiền tiết kiệm. Chênh lệch giữa lượng tiền gửi và lượng tiền cho vay vào cuối năm 2022 là cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Các dấu hiệu khác cũng cho thấy người dân Trung Quốc không thực sự “mua sắm trả thù” sau khi chính sách Zero COVID kết thúc. Các giao dịch mua hàng miễn thuế trung bình tại Hải Nam, điểm đến du lịch nổi tiếng ở miền nam Trung Quốc, không chứng kiến sự gia tăng nào trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch so với một năm trước.

Mối lo cuối cùng là nguy cơ số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Các nền kinh tế tiên tiến đã chứng kiến những làn sóng COVID-19 mới trong vài tháng gần đây.

Nhiều người Trung Quốc sẽ về quê để đón Tết Nguyên đán. Chính phủ Trung Quốc lo ngại dịp nghỉ lễ này sẽ khiến COVID-19 lây lan sang các làng quê có nguồn lực y tế hạn chế. Số ca nhiễm cũng có thể tăng mạnh trở lại tại những thành phố được cho là sắp đi qua đỉnh dịch, cản trở tăng trưởng kinh tế.

Để trợ giúp nền kinh tế phục hồi, Trung Quốc đã giảm bớt các biện pháp kiểm soát đối với ngành công nghệ và đang nới lỏng hạn chế đối với các nhà phát triển bất động sản.

Chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát hành các trái phiếu cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích tài khóa khác. Dù vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, có thể gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế bền vững, bao gồm khối nợ lớn trong ngành bất động sản.

Giang