|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai trung tâm kinh tế của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kém tham vọng cho năm 2023

06:36 | 18/01/2023
Chia sẻ
Các tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang đều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức "trên 5%" trong năm nay, sau khi không đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2022. Kế hoạch của hai tỉnh này có thể cung cấp chỉ báo cho mục tiêu tăng trưởng chung của Trung Quốc trong năm 2023.

Công nhân kiểm tra vải tại một nhà máy dệt may ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP). 

Không đạt kỳ vọng

Sau một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hai trung tâm kinh tế của Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kém tham vọng cho năm 2023, tờ SCMP đưa tin.

Cụ thể, hai tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang – các trung tâm sản xuất lớn tại Trung Quốc – đều đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay ở mức “trên 5%” sau khi không hoàn thành các mốc đề ra cho năm ngoái.

Quảng Đông và Chiết Giang là các trung tâm xuất khẩu lớn và là động cơ quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, kế hoạch của hai tỉnh này có thể cung cấp tín hiệu về mục tiêu tăng trưởng chung của Trung Quốc trong năm nay. Chính phủ trung ương sẽ công bố mục tiêu chính thức cho cả nước tại kỳ họp quốc hội vào tháng 3.

Trong báo cáo ngày 12/1, các nhà chức trách Chiết Giang bày tỏ: “Chính quyền tỉnh Chiết Giang sẽ thực hiện mọi biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và làm việc với doanh nghiệp để mở rộng thị trường bên ngoài và thu hút thêm các đơn hàng”.

Các nhà chức trách ước tính GDP của Chiết Giang đã tăng trưởng 3% trong năm ngoái, chỉ bằng một nửa mục tiêu 6% đã đề ra. Chiết Giang hiện chiếm khoảng 7% sản lượng kinh tế toàn Trung Quốc. 

Tăng trưởng của Quảng Đông ước đạt 2% trong năm 2022, kém hơn hẳn mục tiêu 5,5% đã định.Năm 2021, quy mô kinh tế của Quảng Đông tương ứng với 10,9% nền kinh tế Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vì Quảng Đông là nền kinh tế địa phương lớn nhất của Trung Quốc nên dù tăng trưởng có mờ nhạt thì GDP năm 2022 của tỉnh vẫn đạt 12.800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.890 tỷ USD), tương đương GDP của Hàn Quốc hoặc Canada. 

Tại cuộc họp ngày 12/1, các quan chức Quảng Đông cam kết: “Chúng tôi dự định sẽ tiến hành các chương trình hàng tỷ USD để thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng tôi sẽ công bố các hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, đồng thời hỗ trợ các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ”.

Ưu tiên cho phục hồi kinh tế

Số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy GDP của nước này đã tăng 3% trong năm 2022, thấp hơn hẳn mục tiêu “khoảng 5,5%” đã định. Các đợt phong tỏa COVID-19 liên tục trên khắp cả nước đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất và niềm tin của doanh nghiệp.

Nhưng nền kinh tế số hai thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay sau khi từ bỏ chính sách Zero COVID và mở cửa biên giới trở lại.

Các nhà phân tích dự kiến trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải đi qua một con đường gập ghềnh trong bối cảnh đất nước chuyển sang sống chung với COVID-19. Nhưng họ dự đoán các nhà hoạch định chính sách vẫn sẽ đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2023.

Mục tiêu tăng trưởng của Chiết Giang và Quảng Đông có vẻ phù hợp với dự báo dành cho toàn quốc. Nhưng một số tỉnh thành khác vẫn đặt ra mục tiêu cao hơn – chẳng hạn như Thượng Hải là 5,5% và tỉnh Giang Tây là 7%.

Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông và Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang đều viết trong báo cáo gửi lên Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh rằng việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2022 là không hề dễ dàng.

Nhưng trong tương lai, họ cam kết sẽ phục hồi xuất khẩu, củng cố vị thế trong ngành công nghệ cao và các chuỗi cung ứng, cũng như khôi phục niềm tin trong khu vực kinh tế tư nhân.

Trong năm nay, các quan chức địa phương đang ưu tiên thúc đẩy cuộc phục hồi kinh tế sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero COVID cứng rắn và chuyển trọng tâm sang thúc đẩy tăng trưởng.

Các quan chức có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho các ngành năng lượng mới và công nghệ như chip bán dẫn, bởi Trung Quốc đang nhắm đến vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng và lĩnh vực công nghiệp.

Giang