|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khi Trung Quốc mở cửa và dữ liệu kinh tế gây bất ngờ, giới chuyên gia đã bớt ảm đảm về triển vọng tăng trưởng toàn cầu

08:30 | 17/01/2023
Chia sẻ
Các nhà kinh tế gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và chính phủ các nước phương Tây đón nhận một số thông tin tích cực về hoạt động kinh tế.

 

 

Yếu tố Trung Quốc

Trong những tuần gần đây, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và chính phủ các nước ghi nhận nhiều bất ngờ với các dữ liệu kinh tế tích cực, các chuyên gia đã bắt đầu điều chỉnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu được công bố hồi tuần trước cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu chững lại và hoạt động kinh tế ít suy giảm nghiêm trọng hơn. Điều này đã khiến Barclays nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2,2%, tăng 0,5 điểm % so với ước tính hồi giữa tháng 11.

Theo ông Christian Keller, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Barclays, ngân hàng này đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 1 điểm % lên 4,8%.

Đồng thời, Barclays còn nâng dự báo của khu vực đồng euro thêm 0,7 điểm % lên -0,1%, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Anh thêm 0,2 điểm % lên lần lượt 0,6%, 1% và -0,7%.

Ông Keller nhấn mạnh rằng phần lớn mức điều chỉnh của tăng trưởng toàn cầu bắt nguồn từ triển vọng tăng trưởng khá hơn của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Mỹ vẫn sẽ trải qua suy thoái kinh tế, vì chúng tôi tin rằng siêu cường này sẽ tăng trưởng hơi âm trong ba quý (từ quý II đến hết quý IV/2023). Tuy nhiên, suy thoái sẽ khá nông, vì tăng trưởng cả năm 2023 vẫn ở mức dương”, ông Keller nói thêm.

Chỉ số CPI tháng 12 của Mỹ đã giảm 0,1% so với tháng trước liền trước và chững về mức 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phù hợp với dự đoán của giới chuyên gia, chủ yếu do giá năng lượng giảm và giá lương thực tăng chậm lại.

Song, ông Keller đã đề cập đến một thước đo quan trọng hơn, có thể cho thấy sức khoẻ thực tế của nền kinh tế Mỹ và quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể diễn ra như thế nào.

Thước đo đó chính là công cụ theo dõi mức lương của Fed chi nhánh Atlanta trong tháng 12. Ước tính vào tuần trước đã phần nào củng cố dữ liệu thu nhập trung bình hàng giờ tại Mỹ, cho thấy áp lực tiền lương đã giảm mạnh 1 điểm % xuống còn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Patrick Harker, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia và là thành viên có quyền bỏ phiếu mới của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), chia sẻ vào tuần trước rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ lựa chọn mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp tới.

Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - bà Susan Collins, và Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - bà Mary Daly, cũng có nhận định tương tự.

Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm qua với hy vọng có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Giống với dự đoán của thị trường, Barclays tin rằng FOMC sẽ chuyển sang mức tăng 25 điểm cơ bản kể từ cuộc họp tháng 2 trở đi.

Điểm khác biệt giữa Barclays và dự đoán của thị trường là kỳ vọng của ngân hàng nước Anh về mức đỉnh lãi suất của Fed. Barclays cho rằng FOMC sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang lên 5,25% tại cuộc họp tháng 5, sau đó kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ chờ xem thêm tín hiệu về nhu cầu lao động và áp lực tiền lương sau khi dừng việc tăng lãi suất. Mức đỉnh lãi suất của Barclays cao hơn con số 5% mà thị trường đưa ra.

Triển vọng kinh tế Anh và châu Âu

Trong khi đó, Barclays cho rằng lạm phát lõi cao dai dẳng tại khu vực đồng euro sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải thực hiện thêm hai đợt tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 2 và 3. Sau đó, ECB có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ với lãi suất tiền gửi ở mức 3%, nhưng vẫn tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Lạm phát có vẻ khó hạ nhiệt hơn ở Anh, bởi thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, hoá đơn năng lượng dự kiến sẽ tăng trong tháng 4 và hoạt động công nghiệp mạnh lên gây áp lực gia tăng đối với tiền lương.

Barclays dự đoán Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 2, 25 điểm cơ bản vào tháng 3 và cuối cùng tăng thêm 25 điểm cơ bản khác vào tháng 5. Lãi suất chính sách sẽ đạt mức đỉnh 4,5%.

Dù vậy, Barclays lưu ý rằng dữ liệu kinh tế tốt một cách đáng ngạc nhiên ở khu vực đồng euro và Anh vào tuần trước có thể tạo thêm dư địa để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và hạ nhiệt lạm phát.

“Dữ liệu GDP khả quan hơn mong đợi của Đức và Anh - hai khu vực mà các nhà kinh tế rất bi quan - đã cho thấy thêm bằng chứng rằng suy thoái kinh tế sẽ ít nghiêm trọng hơn so với vài tháng trước, khi cú sốc năng lượng tạo ra nhiều biến số khó đoán”, ông Keller chia sẻ với CNBC.

Ngân hàng Berenberg của Đức cũng nâng dự báo kinh tế cho khu vực đồng euro sau các luồng tin tức tích cực gần đây, đặc biệt là sau khi giá khí đốt giảm, niềm tin người tiêu dùng phục hồi và kỳ vọng của doanh nghiệp cải thiện.

Hôm 13/1, văn phòng thống kê Liên bang Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đình trệ trong quý IV/2022 chứ không suy giảm. Kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg cho biết sự vững vàng của nền kinh tế Đức có hai ý nghĩa chính đối với triển vọng của khối đồng tiền chung.

“Do Đức chịu nhiều rủi ro về khí đốt hơn là cả châu Âu, nên dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến của nước này cho thấy khu vực đồng euro có thể sẽ không suy yếu hơn Đức trong giai đoạn cuối năm 2022. Thậm chí, khu vực Eurozone có thể tránh được một cú sụt giảm GDP trong quý IV”, ông Schmieding giải thích.

“Dựa trên sự phục hồi của niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp, có vẻ tăng trưởng GDP của khối kinh tế chung trong quý I/2023 sẽ không thể tồi tệ hơn hơn quý IV/2022”, ông nói thêm.  

Theo CNBC, Berenberg đã điều chỉnh tăng trưởng GDP thực năm 2023 của Eurozone từ -0,2% lên 0,3%.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.