Vì sao năm 2023 vừa là năm tốt nhất vừa là năm tệ nhất cho hoạt động đầu tư startup tại Châu Á?
2022 là một năm xáo trộn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm trên thế giới trong bối cảnh xung đột, căng thẳng chính trị và lạm phát kìm hãm dòng chảy vốn đồng thời trì hoãn nhiều đợt IPO. Châu Á, từ lâu là một miền đất hứa với đầu tư mạo hiểm, cũng không phải một ngoại lệ, theo Nikkei.
Sau một năm khó khăn, các nhà phân tích và nhà đầu tư dự đoán 2023 sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho khu vực Châu Á. Dù vậy, việc rũ bỏ những thách thức của năm 2022 sẽ cần thời gian.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ ghi nhận 107,9 tỷ USD giá trị thương vụ đầu tư mạo hiểm tính đến thời điểm quý III năm nay. Con số này của cả năm 2022 là 227 tỷ USD, theo báo cáo của Preqin.
Trung Quốc chiếm phần lớn hoạt động đầu tư mạo hiểm trong khu vực song cũng là quốc gia ghi nhận sụt giảm đầu tư lớn nhất. Tính đến 13/12, thị trường Trung Quốc đón 65 tỷ USD đầu tư mạo hiểm, bằng chưa tới một nửa giá trị của năm 2022 là 138,5 tỷ USD, theo PitchBook.
“Khi nói về đầu tư mạo hiểm ở Châu Á Thái Bình Dương, thực tế chúng ta nói nhiều về Trung Quốc. Trung Quốc chiếm phần lớn hoạt động này và giờ thì sự chững lại cũng quan sát thấy rõ nhất ở đây”, Angela Lai, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp tại Preqin, nói.
Chính sách COVID-19 gắt gao ở Trung Quốc, mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Mỹ - Trung Quốc, xung đột tại Ukraine và lạm phát tăng đã làm giảm nhiệt cả thị trường đầu tư đại chúng và tư nhân trên toàn thế giới.
Hoạt động đầu tư ở 5 thị trường lớn tiếp theo theo quy mô thương vụ tại Châu Á Thái Bình Dương (bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Indonesia) cũng chậm lại theo các mức độ khác nhau.
Liệu năm 2023 có phải là một năm khởi sắc? Câu trả lời là có và không.
Ông Nan Bai, lãnh đạo công ty đầu tư mạo hiểm DCM, nói với Nikkei rằng ông nhận thấy một “mùa đi săn giá rẻ” phía trước.
“Tôi cho rằng định giá của các công ty đã giảm đáng kể trong năm 2022. Vì thế tôi cho rằng đây là một cơ hội cho các nhà đầu tư như chúng tôi đầu tư trở lại”, ông Bai nói. Ông nhấn mạnh 2023 là một trong những cơ hội hiếm hoi các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các công ty tốt ở mức giá thấp đến vậy.
Jeffrey Lee, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm NLVC, có quan điểm tương tự.
“Chúng tôi ngày càng tin rằng 2023 sẽ là một trong những năm tốt nhất để đầu tư trong lịch sử đầu tư mạo hiểm”, ông Lee nói. Mặc dù số lượng thương vụ có thể không tăng mạnh, chất lượng đầu tư và tỷ suốt lợi nhuận sẽ tăng mạnh”, ông nói thêm.
Dù vậy, năm 2023 sẽ khó khăn theo một cách khác đối với các công ty đầu tư mạo hiểm bởi bản thân họ sẽ khó gọi vốn hơn. “2023 cũng sẽ là một năm rất, rất khó khăn với các công ty đầu tư mạo hiểm”, ông Lee nói.ˆ
Điều này là bởi các nhà đầu tư góp vốn vào các công ty đầu tư mạo hiểm thường phản ứng với những thay đổi trên thị trường chậm hơn phần còn lại của thị trường, ông Lee giải thích. Điều này có nghĩa là họ sẽ chậm nắm bắt được các cơ hội khi các điều kiện trên thị trường bắt đầu phục hồi.
Năm ngoái, một trong những quan ngại lớn nhất đối với các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư là thiếu các phương án rút lui (exit) từ các khoản đầu tư.
Thị trường biến độ và màn trình diễn kém ấn tượng của các công ty mới niêm yết khiến nhiều công ty huỷ bỏ kế hoạch IPO. Trên toàn cầu, 1.333 thương vụ IPO đã kêu gọi 179,5 tỷ USD trong năm 2022, ít hơn về số lượng thương vụ và giá trị thương vụ lần lượt là 45% và 61% so với một năm trước đó, theo EY.
Thị trường Châu Á Thái Bình Dương có kết quả đỡ u ám một chút với 845 thương vụ IPO cùng 120,6 tỷ USD kêu gọi thành công, lần lượt giảm 26% và 31% so với một năm trước đó.
Ông Bai của DCM nói rằng 2020 “là năm khó khăn nhất đối với các chiến lược exit” nhưng ông kỳ vọng sẽ có nhiều đợt IPO ở Châu Á và Mỹ hơn trong năm 2023, đặc biệt là trong nửa cuối năm.
Các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi các thách thức của năm 2022 tiếp tục xuất hiện ở năm mới, gồm việc Bắc Kinh thắt chặt mảng công nghệ và căng thẳng với Mỹ. Sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất Châu Á cũng là một dấu hỏi sau nhiều năm hạn chế vì COVID-19. Các phương án exit cho các startup Trung Quốc cũng hạn chế do thị trường Mỹ ngày càng khó tiếp cận.
Lúc này, các nhà đầu tư mạo hiểm có thể đang có các mục tiêu khác.
Các quỹ tập trung vào Ấn Độ gọi được 4,7 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2022, vượt so với tổng vốn 3,7 tỷ USD của năm 2021. Đông Nam Á cũng cho thấy xu hướng tương tự với các quỹ kêu gọi được 1,3 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, vượt so với con số 1,1 tỷ USD của cả năm 2021.
Helen Wong của AC Ventures nhận định hoạt động đầu tư tại Đông Nam Á sẽ tăng trong năm 2023 khi các công ty cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí trong năm ngoái sẽ không tránh khỏi việc tìm kiếm nguồn vốn mới.