|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn đầu tư vào Agritech và Foodtech giảm mạnh trong năm 2022

09:20 | 29/12/2022
Chia sẻ
Lĩnh vục công nghệ nông nghiệp và thực phẩm (Agritech và Foodtech) đang trở nên kém hấp dẫn do áp lực từ lạm phát và những hoài nghi trong mô hình kinh doanh.

Vốn đầu tư vào Agritech và Foodtech giảm mạnh trong năm 2022. (Ảnh: Bloomberg).

Các khoản đầu tư vốn mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm đã giảm mạnh vào năm 2022, theo Financial Times.

Tờ FT nhận định xu hướng này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tăng và sự hoài nghi về mô hình kinh doanh, điều này cũng thúc đẩy triển vọng hợp nhất ngành và gia tăng hoạt động M&A trong năm tới.

Theo phân tích sơ bộ từ PitchBook, các công ty trong hai lĩnh vực kể trên chỉ huy động được dưới 30 tỷ USD vào năm 2022, giảm 44% so với năm ngoái. Năm 2021 chưng kiến khoản đầu tư vào hai lĩnh vực này tăng hơn gấp đôi và tăng 1/3 vào năm trước, khi các công ty khởi nghiệp huy động vốn và thúc đẩy làn sóng đầu tư xanh.

Sự bùng nổ diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động môi trường của nông nghiệp và sản xuất thịt cũng như những lo ngại về an ninh lương thực.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp phát triển phân bón sinh học, trang trại thẳng đứng (trang trại thẳng đứng là mô hình canh tác nông nghiệp trong đó cây được trồng theo lớp xếp chồng lên nhau, thay vì những cánh đồng trải dài) và robot, cũng như các loại protein thay thế như thịt làm từ thực vật hoặc nuôi trong phòng thí nghiệm.

Theo Alex Frederick, nhà phân tích công nghệ tại PitchBook, ngoài việc lãi suất tăng trong năm nay, sự biến động trên thị trường chứng khoán đã đóng dần cơ hội của các đợt phát hành chứng khoán, hạn chế các lựa chọn thoái vốn, dẫn đến việc các nhà đầu tư miễn cưỡng tài trợ cho các vòng cấp vốn giai đoạn sau.

Dữ liệu từ Pitchbook cho thấy, mức giảm đầu tư vào công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm vào năm 2022 mạnh hơn so với các lĩnh vực khác. Sự sụt giảm mạnh về tài chính xảy ra khi nhiều công ty khởi nghiệp phải vật lộn với sự gia tăng về lao động, năng lượng và các chi phí đầu vào khác.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã buộc phải xem xét lại mô hình kinh doanh của họ trong khi một số công ty protein thay thế đã niêm yết như Beyond Meat và Oatly, đã cắt giảm mức chi tiêu vốn cũng như lực lượng lao động của họ.

PitchBook cho biết một số công ty canh tác thẳng đứng đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng mạnh. Mark Lynch, thuộc tổ chức tư vấn tài chính Oghma Partners, cho biết với tổng chi phí tăng 15-25% do lạm phát, “một số doanh nghiệp ở giai đoạn đầu sẽ phải vật lộn để tồn tại”.

Ông mong đợi sự hợp nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, với áp lực định giá. Lynch cho biết: “Nhiều công ty có thể coi việc bán mình như một lối thoát và chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự gia tăng trong hoạt động M&A do những điều kiện khó khăn hơn này”.

Các nhà phân tích cho biết không có gì đốt tiền bằng việc xây dựng một công ty khởi nghiệp vào thời điểm chi phí tăng đột biến. Mặc dù nguồn vốn giảm trong năm nay, nhưng các khoản đầu tư vẫn cao hơn 20% so với năm 2020 sau một năm 2021.

Với tác động của biến đổi khí hậu, việc tiếp tục tập trung vào an ninh lương thực trong bối cảnh dân số ngày càng tăng và nhu cầu về thực phẩm tốt cho sức khỏe, không có hóa chất ngày càng tăng, các nhà phân tích cho biết sự quan tâm đến công nghệ thực phẩm và công nghệ nông nghiệp sẽ chỉ tăng trong dài hạn.

Tom Brennan, đối tác tại McKinsey, cho biết lượng đầu tư của các VC vào thực phẩm và công nghệ nông nghiệp đã tăng khoảng 20 lần trong thập kỷ qua. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm liên tục đến thực phẩm và công nghệ nông nghiệp như một lĩnh vực đầu tư khi các nhà đổi mới phát triển công nghệ bền vững và có thể mở rộng quy mô".

Thùy Trang