|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thất bại của các startup gọi vốn triệu đô

18:48 | 02/01/2023
Chia sẻ
Gọi vốn thành công hàng triệu USD không có nghĩa tương lai các startup sẽ được đảm bảo.

Việt Nam đang là một trong những hệ sinh thái phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Tính riêng trong năm 2021, tổng vốn đầu tư cho thị trường startup Việt đã đạt mức kỷ lục 1,5 tỷ USD, theo báo cáo Đổi mới đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2021.

Chính vì vậy, hệ sinh thái startup Việt không thiếu những startup tiềm năng và gọi vốn thành công hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD. Dù vậy, không phải startup nào gọi vốn thành công những khoản đầu tư lớn như vậy cũng đạt được thành công.

Trái lại, có rất nhiều startup đã từng gọi vốn thành công các khoản đầu tư khổng lồ qua các vòng gọi vốn, tưởng chừng như sẽ trở thành bàn đạp để đạt được những mục tiêu xa hơn, song lại bất ngờ đi xuống, thậm chí phải đóng cửa.

Propzy

Thời gian gần đây, việc startup proptech (công nghệ bất động sản) nổi tiếng là Propzy tuyên bố đóng cửa đã gây ra sự chú ý lớn trên thị trường startup Việt. Cụ thể, Deal Street Asia cho biết Propzy đã chính thức công bố đóng cửa hoạt động vận hành bắt đầu từ ngày 12/9.

“Chúng ta đã kêu gọi được vòng gọi vốn Series A giá trị 25 triệu USD vào giữa năm 2020 và sau đó phải đối mặt với tình hình đại dịch kéo dài và tình hình tài chính toàn cấu bất ổn do xung đột của Nga tại Ukraine.

Nỗ lực của chúng ta để phát triển kinh doanh trong giao đoạn này đã phát sinh những khoản lỗ lớn mà chúng ta không thể phục hồi được với tình trạng giãn cách xã hội liên tục ở Việt Nam”, Deal Street Asia dẫn nguồn email nội bộ gửi tới nhân viên của Propzy.

Propzy cung cấp nền tảng hỗ trợ mua, bán và cho thuê bất động sản. (Ảnh: Propzy).  

Startup này thừa nhận việc không gọi được vốn giữa môi trường toàn cầu có xu hướng bất định là “lưỡi dao cuối cùng” đối với startup non trẻ này. Hồi trung tuần tháng 6, Công ty TNHH Dịch vụ Propzy (Propzy Services), một đơn vị thành viên của Propzy Việt Nam, cũng đã thông báo giải thể công ty. Trước đó, Propzy cũng đã thực hiện sa thải 50% nhân sự bắt đầu kể từ thời điểm tháng 9/2021 trong bối cảnh tái cấu trúc mô hình kinh doanh.

Đáng nói, trước khi tuyên bố đóng cửa, Propzy từng gây tiếng vang lớn với những vòng gọi vốn thành công hàng chục triệu USD. Theo dữ liệu từ Tech in Asia, tính đến tháng 6, Propzy đã gọi vốn thành công 36,9 triệu USD (chỉ tính các đợt gọi vốn công khai). Startup này gọi vốn thành công lần đầu tiên vào tháng 6/2017 trong vòng đầu tư Seed do Frontier Digital Ventures dẫn dắt với quy mô 1,9 triệu USD.

Vòng gọi vốn đáng chú ý nhất đến thời điểm hiện tại của Propzy được startup này thực hiện vào tháng 6/2020 với quy mô lên tới 25 triệu USD ở vòng Series A. Vòng gọi vốn này do Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia (quỹ đầu tư giai đoạn đầu của SoftBank) dẫn dắt.

Bên cạnh đó, nó còn có sự tham gia của một số quỹ khác như Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia. Trước đó, vào tháng 2/2020, quỹ TNB Aura cũng được cho là đã đầu tư vào Propzy ở vòng Series A tuy nhiên thông tin chi tiết về thương vụ không được công bố.

WeFit

WeFit được thành lập từ năm 2016 và tới năm 2019 đổi tên thành WeWow. Mô hình của WeFit là phát triển một ứng dụng chia sẻ phòng tập các môn thể thao, thể hình, chăm sóc sắc đẹp. Người dùng sẽ mua gói thành viên để được dùng dịch vụ của tất cả các phòng tập, cơ sở trong danh sách đối tác của WeFit với khẩu hiệu "luyện tập mọi lúc mọi nơi".

Với mô hình nói trên, WeFit đã gây tiếng vang trong giới khởi nghiệp, đã có lúc startup này chứng kiến mức tăng trưởng trung bình tháng đạt 40%. Đầu năm 2018, CEO Founder Nguyễn Khôi đã được Forbes vinh danh trong danh sách 30 Under 30.

WeFit từng nhận được nhiều sự kỳ vọng, song đã phá sản sau đó. (Ảnh: Tư liệu).

Theo dữ liệu từ CrunchBase, vào trung tuần tháng 12/2017, WeFit đã công bố khoản đầu tư 155.000 USD từ quỹ ESP Capital. Cũng theo CrunchBase, quỹ Vietnam Innovative Startup Accelerator và KB Investment đã từng tham gia vào các vòng gọi vốn của WeFit, song họ không công bố số vốn.

Tới năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, WeFit bắt đầu vướng vào "bê bối" khi nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền. Đến tháng 5/2020, WeFit tuyên bố phá sản.

KAfe Group

KAfe Group được sáng lập vào năm 2013 bởi Đào Chi Anh, một đầu bếp nghiệp dư, tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn bán chạy. Cuối năm 2015, startup này gây ấn tượng trong cộng đồng khởi nghiệp khi thành công gọi được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments.

Tại thời điểm nhận vốn, Đào Chi Anh tuyên bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà hàng một cách mạnh mẽ, triển khai các kênh khuyến mại và dịch vụ giao hàng, đồng thời tăng cường đội ngũ đầu bếp. Hiện nay, KAfe Group phát triển bốn nhãn hiệu là The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Nhiều cửa hàng The Kafe đã đóng cửa khi sang tay chủ mới. (Ảnh: Hồng Vũ).

Tuy nhiên, tới tháng 6/2016, the KAfe từng bị tố "chiếm dụng vốn, chây ì, không thanh toán nợ trị giá lên đến 4 tỉ đồng”. Tuy nhiên, cựu CEO của KAfe Group phủ nhận và nói rằng “hai bên không thống nhất về số công nợ nên chưa giải quyết được”.

Từ giữa tháng 3/2017, thông tin về việc đổi chủ của Công ty TNHH Ẩm thực KAfe - KAfe Group chính thức được công bố. Theo đó, chủ sở hữu mới của KAfe Group tổ chức KAFE Hong Kong Limited. Cùng với việc thay đổi chủ sở hữu, nhiều cửa hàng của KAfe Group đều đóng cửa hoặc "biến mất", thay vào đó là đơn vị khác thuê và kinh doanh loại hình khác.

LuxStay

Với những người đã theo dõi chương trình Shark Tank Việt Nam, cái tên LuxStay có lẽ không xa lạ. Được thành lập từ năm 2017 bởi ông Nguyễn Văn Dũng (Steve Nguyễn), LuxStay, nền tảng đặt phòng khách sạn, homestay tương đối nổi tiếng, gây được tiếng vang lớn khi lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 và đã gọi vốn thành công 6 triệu USD (khoảng 139 tỷ đồng) từ ba Shark là Shark Thủy, Shark Hưng và Shark Việt.

Dù vậy, trong năm 2022, nền tảng này bất ngờ thay đổi tên từ LuxStay sang LuxWorld trên fanpage chính thức, đồng thời thay đổi nhận diện thương hiệu cũng như màu nền. Tuy nhiên, khi truy cập vào website chính thức của nền tảng, mọi thứ vẫn được giữ nguyên trạng, từ cái tên LuxStay cho tới thương hiệu cũ.

Fanpage LuxStay đổi tên thành LuxWorld. (Ảnh: LuxWorld).

Đầu tháng 6, trang web chính thức của LuxStay là Luxstay.com cũng không thể truy cập được trong một khoảng thời gian trước khi hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, fanpage chính thức của Luxstay cũng ngừng cập nhật bài đăng mới từ ngày 2/5.

Tới ngày 4/6, fanpage chính thức của LuxStay bất ngờ thay đổi ảnh bìa sang màu cam kèm nội dung “We’re Rebranding”, tạm dịch là “Chúng tôi đang tái cấu trúc thương hiệu”.

Bài đăng cũng khóa tính năng bình luận và chỉ có duy nhất một dòng bình luận từ chính fanpage với nội dung: “Một LuxStay với giao diện mới và rất nhiều tính năng thú vị sẽ được bật mí trong thời gian tới. Đừng quên theo dõi fanpage Luxstay mỗi ngày để không bỏ lỡ thông tin nhé”.

Doanh Chính