Khan hiếm startup kỳ lân
Năm 2021, đầu tư vào các startup công nghệ bùng nổ - tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó để chạm mốc 621 tỷ USD. Tương ứng, số lượng các startup “kỳ lân” (đạt định giá từ 1 tỷ USD trở lên) cũng bật tăng mạnh mẽ.
537 startup “kỳ lân” mới xuất hiện trong năm 2021, tương đương mức hơn 2 startup “kỳ lân” được sinh ra trong mỗi ngày làm việc trung bình.
Hiện nay, khi vốn đầu tư đổ vào các startup chững lại, mỗi quý, số lượng startup đạt đến cột mốc “kỳ lân” dần ít đi. Quý II/2022 ghi nhận chỉ 87 startup “kỳ lân” mới, tương đương gần 1,4 startup “kỳ lân” mới xuất hiện mỗi ngày làm việc. Tình hình quý III/2022 thậm chí còn tồi tệ hơn. Với tốc độ hiện tại, CB Insights dự đoán quý này sẽ chỉ đón nhận 27 “kỳ lân” trên toàn thế giới.
Điều gì khiến startup “kỳ lân” khan hiếm trong năm 2022?
Thực tế, hệ sinh thái startup vẫn có một năm 2022 khởi đầu rực rỡ khi danh sách “kỳ lân” lần đầu chạm mốc 1.000 startup vào tháng 2 năm nay. Dù vật, các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất tăng và các sự kiện địa chính trị, ví dụ như xung đột Nga – Ukraine, đã khiến thị trường dè chừng hơn với hoạt động đầu tư.
Trên thị trường đại chúng, giá cổ phiếu nhiều công ty công nghệ lớn liên tục lao dốc. Trong khi đó, nhiều startup giai đoạn cuối cũng dừng hoặc thậm chí huỷ bỏ các kế hoạch IPO.
Nhiều nhà đầu tư ở thị trường tư nhân cũng bắt đầu thu hẹp quy mô đầu tư sau khi ghi nhận các khoản lỗ lớn. Cùng thời điểm, hoạt động “exit” cũng giảm nhiệt.
Khu vực nào đang sinh ra các startup “kỳ lân” ít hơn?
Sự chững lại của làn sóng “kỳ lân” có thể quan sát rõ nhất ở Mỹ và Châu Á.
Mỹ chứng kiến tỷ trọng “kỳ lân” giảm 5% trong quý II/2022. Trong khi đó, trong quý II/2022, tỷ trọng “kỳ lân” của Châu Á giảm xuống dưới mốc 20% trong 2 quý liên tiếp.
Ngược lại, tại Châu Âu, tình hình lại tươi sáng hơn khỉ tỷ trọng “kỳ lân” của khu vực này tăng lên mốc 19%, đánh dấu 3 quý tăng trưởng liên tiếp và vượt qua Châu Á.
3 trong số 10 startup “kỳ lân” giá trị nhất xuất hiện trong quý II/2022 đến từ Châu Âu, bao gồm SonarSource (Thuỵ Điển, định giá 4,7 tỷ USD), BackBase (Hà Lan, định giá 2,7 tỷ USD) và Oura (Phần Lan, 2,6 tỷ USD).
Môi trường gọi vốn của Châu Âu cũng đang được duy trì tích cực hơn mặc dù vẫn khi nhận mốc giảm 13% trong quý II so với quy trước. Dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và Châu Á (cùng giảm 25%).
Có nhiều lý do dẫn đến điều này, một trong số đó là Mỹ tăng lãi suất sớm hơn Châu Âu, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tại Mỹ cũng có xu hướng “rút chân” nhanh hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn như Tiger Global hay SoftBank vốn chú ý nhiều hơn đến thị trường Châu Á và Mỹ. Vì thế, khi họ bắt đầu giảm tốc đầu tư trong năm nay, Châu Âu cảm thấy ít bị ảnh hưởng hơn.
Dù vậy, CB Insights dự đoán rằng với việc các ngân hàng trung ương tại Châu Âu đang rục rịch tăng lãi suất, tình hình tương tự cũng có thể sẽ sớm xuất hiện tại khu vực này.
Ngành nào giảm số lượng “kỳ lân” lớn nhất?
Trong câu lạc bộ “kỳ lân” toàn cầu, mặc dù mảng công nghệ tài chính (fintech) vẫn đóng góp 25% số lượng thành viên trong quý II/2022, CB Insights cho rằng đây là mảng ghi nhận sụt giảm số lượng “kỳ lân” mới xuất hiện lớn nhất.
Trong quý II, fintech có thêm 20 “kỳ lân” mới, tương đương mức giảm 44% so với quý trước và 58% so với năm trước. Các “kỳ lân” fintech lớn nhất trong quý II/2022 là KuCoin (định giá 10 tỷ USD), Coda Payments (định giá 2,5 tỷ USD) và Newfont Insurance (định giá 2,2 tỷ USD).
Sau fintech, công nghệ bán lẻ là mảng ghi nhận sụt giảm lớn tiếp theo với số lượng “kỳ lân” mới giảm 28% so với quý trước và 46% so với năm trước. Trong số 13 “kỳ lân” mới ở mảng này trong quý II, một số cái tên đáng chú ý là Salsify (định giá 2 tỷ USD), Material Bank (định giá 1,9 tỷ USD) và Mashgin (định giá 1,5 tỷ USD).
CB Insights dự đoán sự chững lại của làn sóng “kỳ lân” không đồng nghĩa với việc các startup sẽ không còn có thể đạt đến cột mốc này. Thay vào đó, vấn đề là startup này có thể đạt đến định giá tỷ USD trong bối cảnh môi trường vĩ mô áp lực và các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các startup có khả năng sinh lai và sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Ở thời điểm hiện tại, các”kỳ lân” sẽ tránh gọi thêm vốn nếu vẫn có thể duy trì được với tình hình tài chính của mình để tránh phải thực hiện gọi vốn ở mức định giá bất lợi. Bên cạnh đó, startup cũng có thể sẽ ưu tiên các hình thức gọi vốn thay thế khác, ví dụ như vốn vay. Nhìn chung, CB Insights nhận định lúc này quyền lực đã chuyển từ các nhà sáng lập sang các nhà đầu tư.