Các quỹ đầu tư tư nhân đổ xô đến vùng Vịnh để giải 'cơn khát' vốn
Vùng Vịnh trước đây là nơi mà các tổ chức chuyên về mua bán và sáp nhập tìm đến để huy động dòng tiền đầu tư vào các thị trường khác. Nhưng các tổ chức này đang tìm cách xây dựng đội ngũ tại đây, tăng đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương và giúp phát triển các nhà quản lý tài sản, quỹ đầu tư tư nhân và cố vấn trong khu vực.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Prequin, việc huy động vốn toàn cầu cho các khoản đầu tư thay thế, bao gồm các quỹ đầu tư tư nhân, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 1/11 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 972 tỷ USD. Vào giai đoạn đó, lãi suất tăng đã đẩy lợi nhuận từ các loại tài sản cạnh tranh khác như trái phiếu đi lên.
Khi dòng tiền của Vùng Vịnh trở nên quan trọng hơn, các quỹ tại đây đang khuyến khích các công ty đầu tư vào những kế hoạch trong khu vực cho một tương lai hậu dầu mỏ, bao gồm đa dạng hóa sang các nguồn năng lượng như hydro, xây dựng năng lực cạnh tranh cho các công ty nhà nước trở thành những cái tên đứng đầu khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài và kiến tạo việc làm.
Bên lề Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) tuần trước – còn được gọi là “Davos trên Sa mạc” - quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia nhấn mạnh nhà đầu tư nước ngoài cần phải có trụ sở tại nước này nếu muốn huy động tiền từ các quỹ và cá nhân giàu có của quốc gia Vùng Vịnh.
Các quỹ đầu tư tư nhân đã nhận được thông điệp đó.
Một nguồn tin cho biết, công ty quản lý tài sản Canada Brookfield gần đây đã mở một văn phòng ở Riyadh và có kế hoạch mở một văn phòng khác ở Abu Dhabi. Phía Brookfield đã từ chối bình luận về thông tin này.
Các tập đoàn chuyên về quản lý tài sản của châu Âu là Tikehau Capital và Ardian đã mở văn phòng tại Abu Dhabi trong năm nay. Công ty đầu tư tư nhân CVC cũng mở văn phòng tại Dubai vào năm ngoái.
Ông Anthony Diamandakis, quản lý cấp cao của ngân hàng Citi cho biết các quỹ đầu tư tư nhân sẽ ngày càng mở nhiều văn phòng tại khu vực. Vì họ muốn gần gũi hơn với các đối tác để gây quỹ, đồng thời cũng tăng cường hợp tác để thực hiện các giao dịch mới.
Hơn nữa, những nỗ lực tư nhân hóa của Saudi Arabia - từ các câu lạc bộ bóng đá đến các nhà máy sản xuất bột mì - đang “mở khóa” những tài sản quan trọng mà trước đây các nhà đầu tư nước ngoài không thể tiếp cận được.
Phần lớn các giao dịch cho đến nay đều liên quan đến cơ sở hạ tầng, từ đường ống dẫn dầu và khí đốt đến bất động sản. Song các công ty cũng đang xem xét tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại Vùng Vịnh, chẳng hạn như công nghệ thu giữ hydro và carbon, khi các chính phủ cố gắng đáp ứng nhu cầu mục tiêu không phát thải ròng.
Ngoài ra, theo ông Frédéric Giovansili, Phó Giám đốc điều hành của Tikehau Capital, một lĩnh vực khác đang được chú ý là quản lý tài sản, với các quỹ đầu tư giúp các tổ chức tài chính địa phương phát triển năng lực. Đổi lại, các quỹ tư nhân có thể sử dụng những nguồn vốn này để tài trợ cho các khoản nợ tư nhân lớn hoặc các giao dịch vốn của họ.