'Tăng trưởng kinh tế 2023 phụ thuộc tốc độ giải ngân đầu tư công và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ'
Trong báo cáo vĩ mô và thị trường 2023, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% phụ thuộc tốc độ giải ngân đầu tư công và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ vào nửa cuối 2023. BVSC nhận định kinh tế năm nay tăng khoảng 5,5 - 6%.
"Áp lực lạm phát cùng nền so sánh cao khiến tiêu dùng khó tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Tiêu dùng trong nước bắt đầu phản ánh môi trường lãi suất cao. Triển vọng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, khi kinh tế Mỹ và Châu Âu giảm tốc. Ngoài ra, vốn đầu tư toàn xã hội phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư công. Môi trường lãi suất cao khiến dòng vốn FDI và dòng vốn đầu tư của dân cư và tư nhân có thể giảm tốc", BVSC cho hay.
Về bối cảnh thế giới, khối phân tích cho rằng trong môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất cao, kinh tế toàn cầu triển vọng kém. Tuy nhiên lạm phát nhiều nền kinh tế có thể đạt đỉnh và đi xuống trong năm 2023. Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng cũng đã giảm so với đỉnh.
BVSC cũng chỉ ra một quy luật rằng chỉ số USD DYX thường đạt đỉnh trước lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed.
Về chính sách tiền tệ của Việt Nam, VND giảm giá giúp chênh lệch mất giá giữa VND và đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không còn quá lớn. Cùng với USD giảm giá, kỳ vọng về mất giá của VND giảm bớt.
Về chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ 5 năm của các nước so với Việt Nam, BVSC cho biết hiện mặt bằng lãi suất đã tăng, lợi suất trái phiếu Việt Nam tăng, chuyển sang cao hơn lợi suất trái phiếu của nhiều nước khác. Đây là cơ sở để nhận định VND có giai đoạn ổn định hơn.
Các chuyên gia tại đây cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt trong nửa đầu năm 2023, kỳ vọng nới lỏng dần trong nửa sau của năm. Lãi suất có thể giảm dần từ nửa sau năm 2023.
Lạm phát đầu năm 2023 ở mức cao, trên lạm phát mục tiêu 4,5%. Kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm là cơ sở để kỳ vọng chính sách tiền tệ nới hơn trong nửa cuối năm 2023.
Về tỷ giá, tốc độ tăng lãi suất điều hành của Fed chậm lại, áp lực từ USD mạnh giảm bớt, nhưng dự trữ ngoại giảm, xuất khẩu khó khăn khiến tỷ giá vẫn là yếu tố theo dõi chặt.