|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cảnh báo gửi vũ khí tới Ukraine chỉ ‘đổ thêm dầu vào lửa’

13:49 | 24/02/2023
Chia sẻ
Sau một năm bùng nổ xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khẳng định tiếp tục “giữ vững tay súng” khi các nước phương Tây cam kết gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Trung Quốc khẳng định không cung cấp vũ khí cho Nga, đồng thời phản đối các nước đưa vũ khí tới Ukraine.

Xe tăng Leopard 2 trong một sự kiện diễn ra ở Munster, Hanover, Đức. (Ảnh: AP)

Trung Quốc cho rằng những cuộc chiến tàn khốc là bằng chứng cho thấy việc gửi thêm vũ khí sẽ không mang lại hòa bình. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và NATO cảnh báo Bắc Kinh không nên hỗ trợ quân sự cho Nga.

Lời cảnh báo của Trung Quốc

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 23/2, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Dai Bing nói: “Đổ thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng. Kéo dài xung đột sẽ chỉ khiến dân thường phải trả giá đắt hơn”.

Động thái trên được đưa ra vài giờ trước khi Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi “hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” đồng thời yêu cầu Nga rút quân và chấm dứt xung đột. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu thuận và 32 phiếu trắng. Nga và 6 quốc gia khác đã bỏ phiếu phản đối.

Ông Dai nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và sớm mang lại hòa bình”.

Phát biểu của ông Dai tại LHQ diễn ra một ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị đến thăm Moscow và cam kết hợp tác sâu sắc hơn với Nga. Trung Quốc và Nga đã công bố quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine.

Mỹ và NATO trong tuần qua đã cáo buộc Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về động thái này .Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc.

Quan chức đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã gặp ông Vương Nghị tại Munich vào tuần trước. Lặp lại lời của ông Vương Nghị, ông Borrell cho biết Trung Quốc đã đang và sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga vì theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không trang bị vũ khí cho các bên khi diễn ra xung đột.

Những quốc gia gửi hỗ trợ cho Ukraine bao gồm: Australia, Áo, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, CH Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ. (Trà My tổng hợp từ Al Jazeera

Quyết tâm chống Nga của phương Tây

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây hứa hẹn sẽ tăng cường hỗ trợ cho Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu: “Chúng tôi không gục ngã, chúng tôi đã vượt qua nhiều thử thách và chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Sau cuộc gặp ở Copenhagen ngày 23/2, Thủ tướng Ba Lan và Đan Mạch cho rằng các nước phương Tây nên nhanh chóng và hào phóng hơn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ba Lan, một đồng minh quan trọng của Ukraine, đang thuyết phục các đồng minh châu Âu tặng thiết bị hạng nặng cho Ukraine, trong đó có cả xe tăng. Động thái này vẫn bị một số quốc gia phản đối cho đến gần đây.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng nếu không có Mỹ, Ba Lan và Anh, có lẽ Ukraine đã không thể bảo vệ đất nước trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên. Trong một phát biểu, ông Morawiecki và người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hỗ trợ cho Kiev vì châu Âu không thể để Ukraine bị đánh bại.

Thụy Điển đang chuẩn bị gửi cho Ukraine hệ thống pháo tự hành Archer tiên tiến và sự ủng hộ trong Quốc hội nước này đối với việc gửi thêm xe tăng Leopard ngày càng tăng. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói: “Chúng tôi đang đối thoại chặt chẽ với Đức về vấn đề này”.

Ở những nước châu Âu khác, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chính phủ sẽ xem xét cung cấp cho Ukraine thêm 4 xe tăng Leopard 2 A4 ngoài 6 chiếc đã cam kết. Quyết định sẽ được đưa ra “trong vài tuần tới”.

Theo ông Sanchez, nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên đã sẵn sàng để huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard 2 ở Tây Ban Nha. Madrid đặt mục tiêu hoàn tất việc giao Leopard cùng với khóa huấn luyện.

Trả lời câu hỏi liệu có nên trang bị máy bay chiến đấu cho Ukraine hay không, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine thời điểm này là "hoàn toàn không hợp lý".

Ukraine đang yêu cầu máy bay chiến đấu, song Đức không có bất kỳ máy bay chiến đấu F-16 nào. Trong một phát biểu, ông Scholz đã bày tỏ lo ngại cuộc xung đột có thể trở thành "một cuộc chiến rất lâu dài", nhưng khẳng định Đức và phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết.

Các cường quốc phương Tây đã cung cấp lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022.

Phương Tây đã cung cấp lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ ngày 24/2/2022. (Trà My tổng hợp từ Al Jazeera

Trà My