|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao dân đi du lịch càng đông, nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc càng cao?

08:16 | 24/02/2023
Chia sẻ
Người Trung Quốc đã cố chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài mỗi năm dưới vỏ bọc đi du lịch, theo tờ Economist.

Nhu cầu du lịch của người Trung Quốc khá mạnh mẽ. (Ảnh: IMAGO). 

Động cơ ngầm

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các công ty trong nước nhanh chóng mời chào khách hàng những tour du lịch hấp dẫn. Những người có máu phiêu lưu cũng không thiếu lựa chọn: tham quan bằng đường sắt ở Lào, đi đến vùng đất xa xôi của nước Nga để xem cực quang hoặc lên thuyền du ngoạn Bắc Cực.

Nhu cầu du lịch của người Trung Quốc có vẻ khá mạnh mẽ. Lượt hỏi thăm của các khách hàng tại đại lý du lịch Ctrip tăng gấp 4 lần trong vòng một tháng.

Sinh viên cũng tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài. Tại thiên đường cờ bạc Macau, khách đã đặt kín chỗ hai khách xạn xa xỉ nhất thành phố. Ngân hàng Natixis ước tính nếu xu hướng trước đại dịch hồi phục, chi tiêu cho du lịch của Trung Quốc có thể tăng 160 tỷ USD trong năm nay.

Việc dân Trung Quốc háo hức ra nước ngoài là điều dễ hiểu bởi nước này đã đóng chặt biên giới vì COVID-19 suốt ba năm. Nhưng một số người còn có động cơ khác: lén chuyển tiền ra nước ngoài.

Luật kiểm soát vốn của Bắc Kinh hạn chế lượng ngoại tệ mà công dân Trung Quốc có thể mua. Sự di chuyển của người dân qua biên giới tạo ra vỏ bọc cho luồng di chuyển của tiền.

Ví dụ, vào năm 2017, các quan chức Trung Quốc phát hiện một cá nhân từ Thiên Tân có được 39 thẻ ngân hàng và rút ra số ngoại tệ trị giá khoảng 1,8 triệu USD “dưới danh nghĩa du học”.

Khoảng cách đáng ngờ

Bài nghiên cứu công bố năm 2017 bởi bà Anna Wong, nhà kinh tế từng làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tính toán lượng tiền được đem ra khỏi Trung Quốc bằng con đường trên. Bà xem xét 20 điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, bao gồm cán cân thanh toán quốc tế, lượt khách du lịch và khảo sát về số tiền chi tiêu điển hình của khách Trung Quốc.

Phương pháp trên cho phép bà Wong so sánh chi tiêu ra nước ngoài được ghi nhận trong cán cân thanh toán của Trung Quốc và chi tiêu mà các quốc gia điểm đến báo cáo.

Theo lý thuyết, các thước đo tiền vào và tiền ra phải bằng nhau. Nhưng kể từ năm 2014, hai khoản mục này đã xuất hiện sự chênh lệch lớn, lên đến 100 tỷ USD vào năm 2015 - tương đương 1% GDP Trung Quốc.

Bà Wong cũng phát hiện chênh lệch lớn tương tự giữa chi tiêu du lịch được Trung Quốc ghi nhận và dự đoán của một mô hình kinh tế. Mô hình này dựa trên các yếu tố như GDP của các quốc gia điểm đến, khoảng cách với đại lục và quy mô kinh tế của Trung Quốc.

Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã thắt chặt các biện phát kiểm soát vốn và theo dõi các giao dịch sát sao hơn. Họ cũng đã sửa đổi dữ liệu quá khứ, loại bỏ một số giao dịch tài chính bất hợp pháp khỏi số liệu chi tiêu cho du lịch.

Nhưng khoảng cách đáng ngờ vẫn chưa được khép lại hoàn toàn. Số liệu về chi tiêu du lịch của Trung Quốc vẫn vượt quá số liệu thu được từ các quốc gia điểm đến và các nguồn dữ liệu toàn cầu.

Trong báo cáo được công bố vào ngày 14/2, Natixis ước tính khoảng cách đó đạt gần 68 tỷ USD vào năm 2020 (tương đương khoảng 0,5% GDP Trung Quốc), bất chấp hoạt động du lịch sụt giảm mạnh trong năm đó.

Trung Quốc mở cửa tạo ra thêm nhiều cơ hội để người dân “lách” luật kiểm soát vốn. Đồng nhân dân tệ vẫn ổn định và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Nhưng các hộ gia đình Trung Quốc đã tích lũy được khoản tiền tiết kiệm lớn trong đại dịch và họ có nhu cầu đầu tư. Trong khi đó, thị trường bất động sản – vốn là lựa chọn ưa thích của người Trung Quốc – vẫn đang trong vũng lầy. Do đó, nhiều người sẽ muốn đa dạng hóa tài sản sang nước ngoài.

Hầu hết mọi người đi du lịch để mở mang tầm mắt. Nhưng người Trung Quốc còn muốn mở rộng cả danh mục đầu tư.

Giang