|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc mở cửa cho du lịch, Việt Nam sẽ hưởng lợi những gì?

13:54 | 19/02/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với du lịch Việt Nam cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bởi nếu không có khách du lịch nhiều dự án sẽ rơi vào tình trạng "đô thị ma", "phố ma".

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn.

Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour du lịch quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia châu Á, nhưng không có Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần tích cực xúc tiến việc việc mở cửa trở lại cho du lịch Việt Nam, bởi việc này không chỉ mang lại tác động tích cực với ngành du lịch mà còn cả với các ngành kinh tế khác.

TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam. (Ảnh: TAB).

Theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị phía Trung Quốc mở cửa trở lại với du lịch Việt Nam là động thái kịp thời của cơ quan quản lý du lịch nước ta.
 
Chuyên gia cho rằng, năm 2019 Việt Nam đón 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
 
Số khách này mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam mà nhiều du khách Trung Quốc thích mua mang về nước sử dụng hoặc làm quà.
 
Doanh thu du lịch từ thị trường Trung Quốc thậm chí bằng hơn 1/2 xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Vì vậy, đây là thị trường rất quan trọng của Việt Nam.
 

Nhiều "thành phố ma" vì thiếu khách du lịch

 
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với du lịch Việt Nam cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là đối với các dự án ven biển.
 
Theo ông Nam, bất động sản nghỉ dưỡng đang là vấn đề lớn của lĩnh vực bất động sản. Hàng chục tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, với các sản phẩm truyền thống là villa, nhà phố, căn hộ condotel.
 
Tuy nhiên, tình trạng vắng khách du lịch, không có dân cư, không có hoạt động biến những nơi này thành những "phố ma", "đô thị ma", người mua nhà khó kinh doanh dịch vụ du lịch và cũng khó có thanh khoản.
 
Người mua ngày càng mất niềm tin vào các bất động sản nghỉ dưỡng giá cao, trong khi cơ hội kinh doanh du lịch gần như không có. Vì vậy, một phần nguyên nhân nằm ở đầu ra của các dịch vụ du lịch, từ lưu trú đến các dịch vụ khác phục vụ du lịch.
 
"Nếu không có khách đến, nhất là khách quốc tế thì làm gì có cơ hội kinh doanh? Không có cơ hội kinh doanh thì làm gì có dịch vụ du lịch? Không có dịch vụ du lịch thì du khách đâu có đến? Một vòng luẩn quẩn như vậy đã và đang đưa các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển vào bế tắc", ông Nam nêu vấn đề.
 
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nếu không tăng nhanh được khách du lịch quốc tế đạt và vượt mức trước đại dịch COVID-19 thì không những các doanh nghiệp du lịch bế tắc và kiệt sức, mà các doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá đà vào bất động sản nghỉ dưỡng càng khốn khó hơn.
 

Mong đợi vào dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Ngoài yếu tố thúc đẩy dịch vụ du lịch, theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ ảnh hưởng lớn nhất là dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Năm 2019, dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến do xu hướng dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, ba năm sau đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dòng vốn này đã chậm lại. Đến nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, rất có thể vốn FDI lại tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Do đó, khi nước này mở cửa, xuất khẩu của Việt Nam không ảnh hưởng nhiều mà chỉ tác động chính đến hoạt động nhập khẩu.

Mặc dù vậy, xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và EU giảm tốc thì nhập khẩu các mặt hàng nguyên vật liệu tương ứng từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. 

Với du lịch, khách du lịch Trung Quốc là một thị trường tiềm năng với Việt Nam nếu nước này bình thường hoá hoạt động đi lại giữa hai quốc gia. Chuyên gia Phạm Thế Anh kỳ vọng khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch, dịch vụ của Việt Nam.

Hạ An