|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá tra Việt Nam có thể bù đắp khoảng trống mà hải sản Nga để lại tại EU và Mỹ?

10:46 | 16/01/2024
Chia sẻ
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với hải sản có nguồn gốc từ Nga, đang gây thêm nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. VASEP cho rằng đây có thể là cơ hội cho Việt Nam lấp đầy khoảng trống tại các thị trường.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết năm 2023, xuất khẩu cá minh thái của Nga đạt khoảng 880.000 tấn, tương ứng 1,2 tỷ USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với năm 2022. 

Cá minh thái là loại hải sản được ưa thích và tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới, đây cũng là đối thủ cạnh tranh chính của cá tra do được khai thác tự nhiên, giá rẻ tương đương cá tra nuôi.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của các cường quốc thế giới đối với hải sản có nguồn gốc từ Nga, đang gây thêm nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Cụ thể, cuối tháng 12/2022, Mỹ mở rộng lệnh cấm đối với hải sản Nga trong hai năm nhằm ngăn chặn và loại trừ các sản phẩm cá hồi, cá tuyết, cua và cá minh thái của Nga khỏi thị trường Mỹ, ngay cả khi những sản phẩm đó được chế biến ở nước thứ ba, làm thay đổi quốc gia xuất xứ của sản phẩm. 

Đây là động thái quyết liệt của Mỹ trước xung đột Nga - Ukraine. Tính đến hết tháng 11/2023, Mỹ đã nhập khẩu 28.000 tấn cá minh thái, tương đương 100 triệu USD, chủ yếu là cá minh thái Alaska Nga được chế biến ở Trung Quốc.

Các sản phẩm không bị cấm nhập khẩu vào Mỹ bao gồm: cá minh thái phile đông lạnh (030475000) và phile đông lạnh ở dạng khối lớn hơn 4,5 kg (0304751000). 

11 tháng năm 2023, Mỹ nhập khẩu 21.000 tấn phile cá minh thái đông lạnh, trị giá 75 triệu USD từ Nga và nhập khẩu hơn 19.000 tấn, trị giá 68 triệu USD các sản phẩm này từ Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, khối EU cũng có động thái hạn chế nhập khẩu thuỷ sản từ Nga.

Sau khi Nga chính thức phát động căng thẳng chính trị Nga - Ukraine, từ nửa cuối năm 2022, một số siêu thị bắt đầu hạn chế nhập cá minh thái và cá haddock của Nga. 

Trong khi, nhu cầu cá thịt trắng ở EU đang rất cao và cá tra Việt Nam được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống trong khẩu phần ăn của người dân khu vực châu Âu.

Mặc dù châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào cá thịt trắng của Nga, tuy nhiên tháng 11/2023, EU vẫn quyết định áp thuế 13,7% đối với các sản phẩm từ Nga như phile cá minh thái và cá tuyết (loại thủy sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam), bao gồm cả những sản phẩm được chế biến tại Trung Quốc nhưng có nguồn gốc từ Nga. 

Trước đó, các sản phẩm này đều hưởng ưu đãi thuế 0% tại EU. Việc áp thuế này khiến các sản phẩm cá minh thái Nga khó cạnh tranh hơn trên thị trường EU.

Cá minh thái của Nga xuất đi toàn cầu. Các thị trường khổng lồ như Mỹ hay EU đều đang dần quay lưng với cá minh thái Nga. Do đó, khi các lệnh trừng phạt được áp dụng hàng loạt và thắt chặt hơn cho sản phẩm này, nguồn cung ra thị trường thiếu hụt trầm trọng trong khi nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng không giảm. 

“Ngày càng nhiều nhà chế biến cá thịt trắng tìm kiếm các địa điểm chế biến khác thay thế Trung Quốc. Đây có thể là cơ hội cho cá tra Việt Nam, thay thế cho cá minh thái đánh bắt tự nhiên chế biến thành lát cá tẩm bột và phi lê”, VASEP nhận định.

Hoàng Anh