|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ hầm trú ẩn, giới chức NHTW đã giữ cho hệ thống tài chính Ukraine trụ vững giữa bom đạn như thế nào?

17:25 | 16/02/2023
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã trải qua 12 tháng đầy khó khăn, nhưng không gì có thể sánh với việc điều hành hệ thống tài chính quốc gia từ hầm tránh bom của các quan chức ngân hàng trung ương Ukraine.

Ông Serhiy Nikolaychuk, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Ukraine. (Ảnh: Bloomberg).  

"Trách nhiệm với quốc gia"

Ông Serhiy Nikolaychuk, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Ukraine (NBU) thức giấc vào sớm ngày 24/2 khi nhận được cuộc gọi của mẹ. Từ nước ngoài, bà cho biết mình đã đọc được tin xe tăng Nga đã tràn vào Ukraine.

Vài phút sau, ông Nikolaychuk cấp tốc đến văn phòng để họp khẩn. Trong 12 tháng tiếp theo, ông và các đồng nghiệp vốn quen giám sát các ngân hàng và lạm phát trong phòng họp yên bình sẽ phải ra sức chèo lái nền kinh tế thời chiến bằng các công cụ chính sách tiền tệ và cả niềm tin lẫn hy vọng.

Ông Nikolaychuk thuật lại: “Khi đó, tôi có hai cảm giác trỗi dậy: Một là nỗi sợ cho gia đình, hai là trách nhiệm lớn lao với đất nước. Tôi nhận ra rằng một điều khủng khiếp đang xảy ra và giữ cho hệ thống tài chính tiếp tục hoạt động sẽ là thách thức lớn nhất trong đời”.

Trong khoảng thời gian dài, các quan chức NBU đã phải cáng đáng nhiệm vụ khó khăn là chèo lái nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài.

Thách thức đó đã bị thay thế bằng một bài toán mới, là làm sao để duy trì hoạt động của nền kinh tế dưới nguy cơ bị ném bom và đảm bảo các sự kiện trên chiến trường không làm lu mờ phán đoán của các nhà hoạch định.  

Khi Nga làm đảo lộn trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, hội đồng chính sách của NBU và một số bộ trưởng đã tập hợp trong tòa nhà chính phủ. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là nhanh chóng thông qua Nghị định số 18, danh sách gồm 16 biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hoảng loạn, củng cố hệ thống ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.

Văn bản này đặt ra hạn mức rút tiền hàng ngày cho các hộ gia đình, cấm rút ngoại tệ và đóng băng tỷ giá hối đoái chính thức. Đến 10 giờ sáng, văn bản có hiệu lực. Nhiệm vụ tiếp theo là đảm bảo hệ thống giao dịch tiếp tục hoạt động.

Do đã trải qua khủng hoảng tài chính sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NBU đã tích lũy được lượng dự trữ ngoại hối trị giá hơn 27,5 tỷ USD. Bà Kateryna Rozhkova, Phó Thống đốc thứ nhất của NBU, cho biết: “Lần này, chúng tôi đã có bộ đệm bao gồm dự trữ ngoại hối, và chúng tôi đã sử dụng nó”.

Tiếp theo là công việc thời chiến: NBU lập tài khoản để nhận tiền quyên góp cho chiến sự và phối hợp để đưa xe tải bọc thép chở tiền mặt từ các ngân hàng thương mại đến quân đội.

Sau đó, mọi thứ ngừng lại. Cuộc tấn công của Nga làm đảo lộn nền kinh tế và cắt đứt chuỗi cung ứng của Ukraine. Các ngành công nghiệp dừng hoạt động khi hàng triệu người dân rời khỏi vùng chiến sự để đến nơi an toàn ở miền tây Ukraine hoặc nước ngoài.

Vào ngày 3/3, NBU đóng băng lãi suất chính sách ở mức 10%. Các quan chức cho biết sẽ thả nổi tỷ giá sau khi Ukraine “được giải phóng khỏi quân đội Nga”. Đến ngày 2/6, lãi suất được nâng lên 25%. Ngân hàng này cho biết lý do là để củng cố đồng nội tệ, ổn định nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát phi mã.

Cùng lúc đó, NBU thừa nhận rằng các công cụ tiền tệ thông thường đã không còn hiệu quả bởi cuộc chiến. Chiến sự cũng khiến cho việc lập mô hình tương lai qua các chỉ báo như tỷ lệ thất nghiệp và doanh số bán lẻ biến thành nhiệm vụ bất khả thi.

 

Hành trình sơ tán

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 12, giữa lúc còi báo động không kích vang khắp Kiev, ông Andriy Pyshnyi, Thống đốc NBU, cho biết: “Trong hoàn cảnh hiện nay, cái giá phải trả khi mắc sai lầm đã tăng lên gấp bội. Điều này khiến tôi dành nhiều thời gian cho quá trình phân tích và ra quyết định hơn là trong thời bình”.

Hòa bình của Ukraine biến mất trong nháy mắt. Mọi quan chức của NBU đã được yêu cầu chuẩn bị những chiếc túi có đủ vật dụng cần thiết, đặt ở gần cửa ra vào và sẵn sàng sơ tán khỏi Kiev nếu cần thiết.

NBU đã sơ tán nhân viên đến một địa điểm bí mật ở miền tây Ukraine, chuyến đi kéo dài 18 tiếng. Sau đó, họ chuyển đến Lviv, thành phố sát biên giới với Ba Lan.

Trong toàn bộ quá trình, có những lần cả đoàn phải tìm chỗ trú ẩn. Hồi tháng 3/2022, chuông báo động không kích đã làm gián đoạn cuộc gọi quan trọng về thỏa thuận viện trợ khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định cấp cho Ukraine. Vì vậy, các quan chức NBU đã đi xuống lòng đất để đến nơi an toàn.

Phó Thống đốc Nikolaychuk thuật lại: “Chúng tôi đã tập hợp trước một chiếc laptop trong căn phòng hẹp 4 m2 và tiếp tục bàn bạc. Tôi nghĩ phía IMF đã thấy ấn tượng”.  

 

Sau gần một năm chiến sự, nền kinh tế Ukraine đã bị Nga đẩy vào vũng lầy. Kết thúc năm 2022, GDP giảm 30%, lạm phát vượt 26% và dự trữ của NBU sụt giảm.

Nhưng thế trận đã thay đổi và nỗi lo của NBU cũng vậy. Bất chấp chiến dịch không kích của quân đội Nga, người Ukraine đã quen với các cuộc oanh tạc và còi báo động, và nhiều khi họ còn chẳng tìm nơi trú ẩn. Để giữ an toàn cho nhân viên— và duy trì sự chủ động — NBU hiện có nơi trú ẩn được trang bị đầy đủ bên dưới trung tâm thành phố Kiev để các nhân viên quan trọng có thể ở lại qua đêm.

Ông Nikolaychuk thấy biết ơn vì có mục đích rõ ràng trong cuộc chiến. Ông nói: “Chúng tôi phải tập trung để ra quyết định một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi biết rằng bảo vệ hệ thống tài chính là cách mình đóng góp cho đất nước và thắng lợi tương lai”.

Giang