EU thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga
Bất kỳ biện pháp mới nào mà EU dự kiến áp dụng để tiếp tục phản ứng trước cuộc xug đột Nga-Ukraine, sẽ cần có sự ủng hộ nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên.
Hồi tuần trước, sau Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: "Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số chính trị gia và nhà lãnh đạo quân sự Nga. Gói biện pháp mới sẽ bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu bổ sung trị giá hơn 10 tỷ euro (10,7 tỷ USD). Điều này sẽ khiến bộ máy quân sự của Nga bị bỏ đói hơn nữa và tiếp tục làm lung lay nền tảng kinh tế của nước này".
Kể từ sau tuyên bố đó, EC đã đề xuất các nước EU nên loại thêm 4 ngân hàng Nga, bao gồm ngân hàng tư nhân Alfa-Bank, ngân hàng trực tuyến Tinkoff và ngân hàng cho vay thương mại Rosbank khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT).
Cao su và nhựa đường sẽ được thêm vào danh sách mặt hàng EU cấm nhập khẩu từ Nga và khối này sẽ cấm dịch vụ tiếng A-Rập của kênh truyền hình Russia Today trên lãnh thổ mình.
Các lệnh cấm xuất khẩu nhằm ngăn chặn khả năng sản xuất vũ khí và thiết bị của Nga được triển khai chống lại Ukraine. Bên cạnh đó, EC cũng đưa ra các hạn chế hơn nữa đối với các liên doanh của châu Âu với Nga và các công dân Nga tham gia hội đồng quản trị ở châu Âu.
Việc đưa vào danh sách đen những người liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái của Iran được sử dụng ở Ukraine cũng là một trong những biện pháp đang được thảo luận.
Mục tiêu của khối là vừa mở rộng các biện pháp chống lại Nga, vừa khắc phục các lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt hiện có.