Nga có đủ sức thay thế hàng nghìn xe tăng đã bị Ukraine phá huỷ?
Nga đã mất hàng nghìn xe tăng
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Đức từng phá huỷ xe tăng của Liên Xô với tốc độ khủng khiếp.
Tuy nhiên, dù Hồng quân mất tới 80.000 xe tăng, sức mạnh công nghiệp của Liên Xô khi đó cho phép họ sản xuất vũ khí với tốc độ đáng kinh ngạc hơn. Kết thúc cuộc chiến, Liên Xô có nhiều xe tăng hơn so với khi xung đột nổ ra.
Ngày nay, xe tăng phức tạp và đắt tiền hơn nhiều. Do đó, quân đội các nước cũng triển khai chúng với số lượng hạn chế hơn.
Dù vậy, trong cuộc chiến với Ukraine, giống như Liên Xô năm xưa, Nga đã mất một lượng lớn xe tăng. Ukraine tuyên bố đã phá huỷ hơn 3.250 xe tăng của Nga. Trong khi đó, nền tảng tình báo Oryx ghi nhận con số tổn thất là 1.700.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thì cho biết khoảng một nửa trong số khoảng 2.000 xe tăng T-72 của Nga đã bị phá huỷ. T-72 chiếm phần lớn số xe tăng của Nga trước chiến sự.
Xe tăng đã không thể mang lại lợi thế chiến lược cho Nga trên chiến trường Ukraine và quân đội nước này sẽ phải rất chật vật để thực hiện một cuộc tấn công lớn khác mà không có đủ sự hỗ trợ của thiết giáp.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã nhận được xe tăng chiến đấu từ các đồng minh phương Tây và có thể sử dụng chúng trong một cuộc phản công vào mùa xuân năm nay, theo tờ Economist.
Vì vậy, Nga sẽ cần phải tăng cường số lượng xe tăng của mình nếu muốn giữ vững phần lãnh thổ mà họ đã chiếm được. Song, liệu Moscow có thể thay thế số xe tăng bị mất như trong quá khứ?
Nga không thể tự cứu mình
Vào những năm 1940, các nhà máy của Liên Xô có thể sản xuất hơn 1.000 xe tăng mỗi tháng. Những cơ sở sản xuất máy kéo và động cơ đường sắt cũng được yêu cầu chế tạo xe tăng.
Ngày nay, việc sản xuất thêm xe tăng khó khăn hơn nhiều. Các thiết bị điện tử trong xe tăng hiện đại, cho tầm nhìn ban đêm, súng nhắm và một loạt các chức năng khác, rất phức tạp.
Điều đó khiến quá trình chế tạo xe tăng của Nga chậm lại. Đồng thời, nhiều nhà máy được thiết kế cho các lĩnh vực công nghiệp khác không thể dễ dàng chuyển đổi để sản xuất xe tăng.
Nga hiện chỉ còn một nhà máy sản xuất xe tăng là UralVagonZavod, một tổ hợp khổng lồ được xây dựng vào những năm 1930. Tuy nhiên, quản lý tài chính yếu kém và các khoản nợ khổng lồ đã kìm hãm quá trình hiện đại hoá nhà máy.
Theo Economist, công nhân nói đùa rằng họ đang lắp ráp xe tăng bằng tay. Novaya Gazeta, một tờ báo của Nga cho biết nhà máy trên hiện chỉ cho ra được 20 xe tăng mỗi tháng.
Một quan chức phương Tây nói, về tổng thể, nhu cầu về xe tăng của quân đội Nga đang vượt qua năng lực sản xuất gấp 10 lần.
Nhằm đáp ứng nhu cầu quá lớn đó, Nga đang tăng tốc độ khôi phục những chiếc xe tăng cũ, ước tính trong kho có tới hàng nghìn chiếc.
Tại Ukraine, các xe tăng hiện đại của Nga, chẳng hạn như T-90, đang chiến đấu bên cạnh một lượng lớn T-72B3 được chế tạo từ nhiều thập kỷ trước nhưng được nâng cấp với súng, giáp phản ứng và hệ thống liên lạc kỹ thuật số.
Song, ngay cả với những cải tiến này, xe tăng cũ của Nga vẫn kém xa các mẫu mới và có rất ít khả năng trụ vững sau đòn tấn công của lực lượng Ukraine. Dẫu vậy, chúng vẫn hữu ích với binh lính Nga.
Theo truyền thông Nga, UralVagonZavod đang cải tiến 8 xe tăng cũ mỗi tháng. Ba nhà máy sữa chữa xe bọc thép khác, mỗi nhà máy tân trang khoảng 17 chiếc. Hai nhà máy nữa có quy mô tương tự sẽ đi vào hoạt động trong vài tháng tới.
Điều này có nghĩa là mặc dù Nga chỉ có thể sản xuất 20 xe tăng mới mỗi tháng, Moscow có thể sớm cung cấp cho quân đội nước mình 90 chiếc hoặc hơn mỗi tháng, Economist tính toán.
Tuy nhiên, con số trên sẽ không đủ để bù đắp khoảng 150 xe tăng bị phá huỷ mỗi tháng, theo phân tích của Oryx.
Mặt khác, việc sản xuất của Nga có thể bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt linh kiện. Chất bán dẫn, chip máy tính điều khiển xe tăng hiện đại đều đang bị thiếu trầm trọng.
Uỷ ban châu Âu tuyên bố rằng Nga đang sử dụng chip từ máy rửa bát và tủ lạnh nhập khẩu để thay thế phần cứng quân sự.
Tại Ukraine, một số xe tăng mới được tân trang của Nga chứa rất nhiều phần cứng từ các mẫu xe khác nhau và thiếu các thiết bị công nghệ cao như cảm biến tốc độ gió cho phép binh lính bắn chính xác hơn.
Nga không đơn độc trong vấn đề này. Ukraine và các đồng minh cũng đang bị hạn chế về công suất sản xuất xe tăng.
Nhà máy sản xuất xe tăng duy nhất của Ukraine, gần thành phố Kharkiv, đã bị phá huỷ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Mỹ, đồng minh đã hứa gửi 31 xe tăng M1A2 Abrams tới Ukraine, có một nhà máy với công suất 15 xe mỗi tháng.
Hoạt động sản xuất xe tăng ở các nước phương Tây khác cũng chậm như vậy, dẫn đến việc một số nước phải tìm đến xe tăng cũ để viện trợ cho Ukraine.
Trong bối cảnh chiến sự vẫn còn tiếp diễn, Nga nhiều khả năng sẽ chứng kiến số xe tăng của mình giảm dần cả về số lượng và chất lượng. Khác ở chỗ là lần này, các nhà máy trong nước không thể cứu Nga như năm xưa.