|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga tố Anh gửi vũ khí 'có thành phần hạt nhân' cho Ukraine, Mỹ đẩy nhanh chuyển giao xe tăng tới Kiev

11:53 | 22/03/2023
Chia sẻ
Nga cảnh báo sẽ có "phản ứng thích hợp" nếu Anh viện trợ cho Ukraine đạn uranium nghèo, vũ khí có khả năng gây hại đến sức khỏe con người và môi trường. Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh việc chuyển giao xe tăng Abrams cho Kiev bằng cách tân trang lại phiên bản cũ.

Nga sẽ “phản ứng” nếu Anh viện trợ đạn uranium nghèo

Theo The Guardian, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ có phản ứng sau khi bà Annabel Goldie, quan chức phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng Anh, tuyên bố nước này sẽ viện trợ đạn uranium nghèo (DU) cho Ukraine.

Trả lời một câu hỏi của người dân, bà Goldie cho biết Anh sẽ cung cấp “đạn xuyên giáp chứa DU” tới Ukraine cùng với 14 xe tăng Challenger 2 bởi loại vũ khí trên có “hiệu quả cao trong việc việc phá hủy xe tăng hiện đại và phương tiện bọc thép”.

Phát biểu trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Nga và Tổng thống Putin đã đưa ra lời đe dọa: “Nếu [Anh viện trợ đạn DU cho Ukraine], Nga sẽ phải có phản ứng thích hợp, bởi phương Tây nói chung đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cảnh báo Nga và phương Tây ngày càng tiến gần đến một cuộc “đụng độ hạt nhân”. Đầu đạn uranium nghèo (DU) được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có cả Nga.

Một chiếc Challenger 2 của quân đội Anh trong một cuộc diễn tập Năm 2018. (Ảnh: Steve Blake/Quân đội Anh).

Đáp lại những tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết đạn DU “không liên quan gì đến vũ khí hay năng lực hạt nhân” và là “trang bị thông thường” được các quân đội sử dụng, trong đó có cả Nga.

DU là phụ phẩm của quá trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân, và có độ phóng xạ thấp hơn so với kim loại uranium trong tự nhiên.

Tuy nhiên, độc tính là mối lo ngại lớn khi sử dụng kim loại này làm đầu đạn. DU được lựa chọn làm đầu đạn bởi khối lượng riêng cao, giúp tăng khả năng xuyên giáp.

Trong chiến tranh Iraq và chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ và Anh đều đã sử dụng đạn DU. Một nghiên cứu gần đây của BMJ Global Health nhấn mạnh “có thể có mối liên hệ” giữa sức khỏe dài hạn của người Iraq với đạn DU được sử dụng trên chiến trường.

Phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng “trong một số trường hợp, mức độ ô nhiễm trong thức ăn và nước ngầm có thể tăng lên sau vài năm”.

Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lại cho rằng “thiếu bằng chứng rõ ràng về nguy cơ ung thư từ các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ”. Hiệp hội Hoàng gia lại kết luận rằng những người lính sống sót trong xe tăng bị trúng đạn DU có nguy cơ ung thư cao nhất.

Nhìn chung, các nghiên cứu về tác hại đạn DU không đưa ra được kết luận rõ ràng về ảnh hưởng của loại vũ khí này đến sức khỏe con người. 

Nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng DU để làm đạn pháo xe tăng, xe bọc thép hay máy bay cường kích do khả năng xuyên phá mạnh.

Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân (CND) - một tổ chức vận động cắt giảm vũ khí hạt nhân của Anh - lên án quyết định của London. CND cho rằng Anh không cần gửi đạn DU tới Ukraine bởi vũ khí này “sẽ chỉ làm tăng thêm sự đau khổ lâu dài của dân thường trong cuộc xung đột này”.

CND cho rằng Anh nên “đặt lệnh cấm sử dụng đạn DU” - một yêu cầu mà Bộ Quốc phòng Anh nhiều lần từ chối - đồng thời tài trợ cho các nghiên cứu dài hạn về tác động tới môi trường và sức khỏe của [loại vũ khí này]”.

Mỹ tăng tốc gửi xe tăng tới Ukraine

Theo Politico, Mỹ đang tăng tốc quá trình huấn luyện, chuyển giao xe tăng M1 Abrams và hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine.

Thay vì chuyển phiên bản cao cấp hơn là M1A2 Abrams, Lầu Năm Góc sẽ tân trang lại các xe tăng M1A1 để nhanh chóng chuyển đến Ukraine trong mùa thu này. Ban đầu, Washington định viện trợ cho Kiev 31 xe tăng M1A2, với thời gian hoàn thành có thể lên tới hai năm.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết việc đưa những chiếc M1A1 cũ ra khỏi kho dự trữ sẽ cần ít thời gian tân trang ít hơn, và cho phép Mỹ “cung cấp [vũ khí] quan trọng này cho Ukraine vào mùa thu năm nay”.

Xe tăng M1A1 của Mỹ đang tập trận tại Ba Lan vào tháng 11/2022. Phiên bản M1A1 không có giáp phản ứng nổ, hệ thống cảm biến hay phòng thủ chủ động như những bản M1A2 cao cấp. (Ảnh: Matthew A. Foster/Vệ binh Quốc gia Mỹ).

Trong khi đó, 65 người lính Ukraine sắp kết thúc khóa huấn luyện về hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Mỹ. Các binh sĩ và hai hệ thống phòng không Patriot sẽ có mặt trên chiến trường trong vài tuần nữa.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại Mỹ, những binh sĩ Ukraine này sẽ tới châu Âu để tham gia cùng một nhóm khác, đang học cách sử dụng hệ thống Patriot do Đức và Hà Lan viện trợ. Sau đó, cả hai nhóm sẽ cùng trở lại chiến trường.

Minh Quang