|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mối nguy từ đầu đạn uranium xuyên giáp của phương Tây: Sát thủ diệt xe tăng, hiểm họa cho con người

16:07 | 27/01/2023
Chia sẻ
Các loại vũ khí được phương Tây viện trợ cho Ukraine có khả năng bắn ra đạn uranium nghèo. Loại đạn được này có khả năng xuyên phá mạnh, dễ dàng tiêu diệt xe tăng, nhưng cũng có thể gây ra thảm họa môi trường và tổn hại sức khỏe con người trong nhiều năm sau cuộc chiến.

Lời cảnh báo của Nga

Theo kênh thông tấn TASS, trưởng phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, ông Konstantin Gavrilov đã kêu gọi phương Tây ngừng "các hành động khiêu khích hạt nhân" bằng xe tăng Leopard 2.

“Chúng tôi cảnh báo các nhà tài trợ phương Tây cho bộ máy quân sự Kiev ngừng khuyến khích khiêu khích hạt nhân. Chúng tôi biết rằng xe tăng Leopard 2, cũng như xe bọc thép Bradley và Marder được trang bị đạn xuyên giáp với đầu đạn uranium nghèo (DU)”, ông tuyên bố. “Việc sử dụng loại vũ khí này dẫn đến ô nghiễm môi trường, giống như ở Nam Tư và Iraq”. 

“Trong trường hợp những loại đạn dược cho vũ khí hạng nặng do NATO sản xuất được cung cấp tới Kiev, chúng tôi sẽ coi đó là việc sử dụng bom hạt nhân bẩn chống lại nước Nga với tất cả những hậu quả đi kèm", ông phát biểu tại một diễn đàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về hợp tác an ninh.

"Sát thủ xe tăng"

Theo The Intercept, Nhà Trắng không muốn công bố liệu Mỹ có cung cấp đạn xuyên giáp uranium nghèo cho Ukraine hay không.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 25/1, một phóng viên đã hỏi “các quan chức chính quyền cấp cao” về việc liệu những chiếc Bradley được gửi đến Ukraine có trang bị đạn uranium nghèo xuyên giáp cỡ nòng 25 mm hay không.

Phóng viên này cho biết việc bắn những viên đạn phóng xạ trên khiến những chiếc Bradley trở thành “sát thủ xe tăng”. Quan chức chính quyền Mỹ đã từ chối trả lời.

Đạn DU có khả năng xuyên giáp tốt hơn so với đạn làm từ vonfram hoặc thép. 

Uranium nghèo là phụ phẩm trong quá trình sản xuất vũ khí và nhiên liệu hạt nhân. Uranium nghèo có hàm lượng đồng vị phân hạch U-235 (có phóng xạ) thấp hơn uranium có trong tự nhiên. Cụ thể, Uranium tự nhiên chứa khoảng 0,72% U-235 tính theo khối lượng, trong khi DU mà Mỹ sử dụng trong đạn xuyên giáp chứa không quá 0,3% U-235.

Do khối lượng riêng cao tới 19,3 g/cm3 (nặng hơn gần 70% so với chì), cộng với khả năng “tự duy trì mũi nhọn” và gây cháy, DU được sử dụng trong các loại đạn xuyên giáp, cũng như làm giáp trên xe tăng.

Khối lượng riêng lớn giúp đạn DU nặng hơn so với các loại đạn có cùng thể tích (cỡ nòng), do vậy mang động năng cao, và khả năng xuyên giáp tốt hơn. Khi làm giáp trên xe tăng, nhờ vào khối lượng riêng lớn (đặc hơn), nên giáp DU sẽ bảo vệ xe tăng và kíp lái tốt hơn so với thép. Hạn chế của loại giáp này là khiến xe tăng nặng nề hơn.

Ngoài ra, đầu đạn DU khi xuyên giáp sẽ bị bào mòn theo cách đặc biệt, và vẫn duy trì được mũi nhọn. Trong khi đó, đầu đạn sử dụng vonfram hay thép thường biến dạng thành hình nấm, cản trợ khả năng xuyên phá. Đạn DU cũng bắt lửa sau khi xuyên qua giáp, gây cháy nhiên liệu hoặc đạn dược, cũng như tiêu diệt sinh lực trong xe tăng.

Thảm họa môi trường

Tuy có khả năng xuyên giáp tốt, những viên đạn DU cũng có tính phóng xạ và cực kỳ độc hại. Loại đạn này có liên quan đến nhiều dị tật bẩm sinh, ung thư và các bệnh khác. 

Tại Iraq, các bác sĩ báo cáo số lượng ca dị tật bẩm sinh và ung thư tăng đột biến sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1990-1991) khi Mỹ đã bắn gần 1 triệu viên đạn uranium nghèo. Hiện tượng này cũng được ghi nhận sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai (2003). 

Ông Keith Baverstock, nhà sinh học phóng xạ tại Đại học Đông Phần Lan cho biết: “[Uranium] liên kết chặt chẽ với các phân tử sinh học, bao gồm cả DNA”.

“Khi [uranium] được sử dụng trong đạn dược để xuyên qua các mục tiêu cứng, đầu đạn có thể vỡ ra, và vì [uranium] là chất tự cháy, nên chúng có thể bắt lửa, tạo ra các hạt oxit có thể hòa tan một phần và trở thành một nguồn gây nhiễm độc nếu hít phải”, ông nói thêm.

“Các hạt uranium có thể nằm trong vùng đất nơi những viên đạt DU được bắn ra, gây nguy hại cho môi trường trong nhiều năm sau đó”.

Vỏ xe bọc thép M113 được sử dụng làm mục tiêu tập bắn cho phi công máy bay cường kích A-10 Thunderbolt (còn gọi là Warthog). A-10 mang theo pháo 30 mm, có thể trang bị đầu đạn DU. (Ảnh: Không quân Mỹ).

Trong khi các nghiên cứu về ảnh hưởng của vũ khí DU với sức khỏe con người đang còn nhiều tranh cãi, các chuyên gia cho rằng chỉ riêng rủi ro từ loại đạn dược này đồng nghĩa với việc Nhà Trắng cần phải minh bạch trước công chúng.

Ông Doug Weir, Giám đốc nghiên cứu và chính sách của Đài quan sát Môi trường và Xung đột (CEO), nhận định: “[Việc sử dụng vũ khí DU] là một mối quan tâm kể từ khi xung đột bắt đầu. Nga tuyên bố có kho vũ khí DU của riêng mình, tuy nhiên, không rõ liệu loại vũ khí này đã được sử dụng tại Ukraine hay chưa”.

“Nếu Mỹ cung cấp đạn DU cho Ukraine, thì khả năng Nga sử dụng loại vũ khí tương tự cũng tăng lên”, ông cảnh báo.

Ông Weir giải thích rằng “sự ô nhiễm nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra khi một chiếc xe chở đầy DU bốc cháy. Tương tự, các nhà kho vũ khí DU có thể tạo ra sự cố ô nhiễm khi bị phá hủy hoặc đốt cháy”.

Ông Nickolai Denisov, một nhà khoa học môi trường, nhận định “Vấn đề lớn nhất là ô nhiễm kim loại nặng, chứ không phải phóng xạ. Ô nhiễm kim loại nặng nguy hiểm và lâu dài, do đó tính minh bạch trong những vấn đề này thực sự quan trọng”.

Khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Liên minh Quốc tế Cấm Vũ khí Uranium đã nhận định: “Khi có chiến tranh, mọi thứ sẽ trở thành thứ yếu so với sự sống còn”. Nhưng mặt khác, nếu không bảo vệ môi trường, đất nước sẽ không thể sinh sống khi xung đột kết thúc.

Nếu Lầu Năm Góc gửi đạn DU tới Ukraine, chắc chắn sẽ có những người ủng hộ. Loại đạn này sẽ có hiệu quả cao trong việc phá hủy phương tiện bọc thép của Nga. 

Khi Nhà Trắng phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc chia sẻ vũ khí với Ukraine, những cuộc thảo luận thẳng thắn về hậu quả khó lường của việc chuyển giao vũ khí có thể sẽ khó nhận được sự ủng hộ.

Một số nhà khoa học đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu vũ khí chứa uranium có thể sẽ phản đối các quyết định viện trợ, bất chấp sự đồng cảm với chính quyền Kiev. 

Khi được hỏi về việc Nhà Trắng từ chối tiết lộ liệu Ukraine có nhận được đạn DU hay không, ông Baverstock, nhà khoa học Phần Lan, trả lời đơn giản: “Tôi chắc chắn hy vọng rằng không ai có ý định sử dụng chúng”.

Minh Quang