Khả năng Trung Quốc viện trợ pháo binh cho Nga và tác động tới xung đột ở Ukraine
Vai trò của Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn hãng tin NBC News, các nhà phân tích quân sự cho rằng những cảnh báo của phương Tây về khả năng Trung Quốc gửi viện trợ vũ khí gây sát thương cho Nga là hợp lý, khi sự giúp đỡ của Bắc Kinh có thể là một động lực quan trọng cho hy vọng thành công trên chiến trường của Điện Kremlin trong những tháng tới.
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc đang xem xét gửi cho Moscow đạn dược và pháo. Động thái này có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai và sự đối đầu giữa các lực lượng pháo binh chi phối nhiều mặt trận.
Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ đưa ra cáo buộc không chính xác đồng thời cho rằng Washington nên tránh xa mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định quốc gia này đã đang và sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga vì theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không trang bị vũ khí cho các bên khi diễn ra xung đột. Dù vậy, theo các chuyên gia phương Tây, Bắc Kinh vẫn có thể hỗ trợ quân đội Nga bằng cách cung cấp trang thiết bị.
Trong bối cảnh Nga tiến hành cuộc tấn công mới tại khu vực phía đông Donbas, kho dự trữ pháo và đạn dược cũ của Trung Quốc, trong đó có một số do Nga sản xuất, có thể giúp các lực lượng Nga tiếp tục duy trì sức chiến đấu trong một cuộc xung đột kéo dài lâu hơn nhiều so với dự kiến của Điện Kremlin.
Ông Lukas Fiala, điều phối viên dự án của chương trình nghiên cứu China Foresight tại Trường Kinh tế London, nói: Từ cuối Chiến tranh Lạnh cho đến giữa và cuối những năm 2000, Trung Quốc là khách hàng nước ngoài quan trọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga và chuyển hướng sang các hệ thống vũ khí sản xuất trong nước, song Trung Quốc vẫn sở hữu “một lượng lớn thiết bị của Nga”.
Thế khó của Trung Quốc
Theo ông Fiala, Bắc Kinh đang mắc kẹt vào một tình thế khó khăn. Tuần trước, Trung Quốc đã đề xuất một kế hoạch hòa bình nhưng đã nhanh chóng bị phương Tây bác bỏ. Cho đến nay, quốc gia châu Á này đã hành động cân bằng một cách cẩn thận.
Ông Fiala đánh giá chiến thắng và sự ổn định của Nga đem lại lợi ích cho Trung Quốc, nhưng phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc tăng cường hỗ trợ Nga. Do đó, Bắc Kinh cần cân nhắc lại.
Các chuyên gia lưu ý Kiev chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ và có thể tăng cường nỗ lực để kêu gọi hỗ trợ từ các đồng minh.
Ông Phillips O'Brien, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cho rằng Ukraine có thể lấy Trung Quốc làm cái cớ để kêu gọi đồng minh hỗ trợ nhiều hơn, nhanh hơn, trước khi Bắc Kinh bắt đầu hỗ trợ thực sự cho Nga.
Nguồn cung vũ khí của Nga cạn kiệt?
Cho đến nay, các vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp như pháo HIMARS đã phát huy hiệu quả trên chiến trường và cho phép Ukraine chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn mà Nga đã sáp nhập, qua đó, giúp đặt nền móng cho các đợt phản công. Phía Nga cũng phụ thuộc rất nhiều vào các đơn vị pháo binh.
Giáo sư Phillips O'Brien nhận định quân đội Nga đã cho thấy một trong số ít những điều họ có thể làm là tấn công mạnh mẽ vào các khu vực bằng pháo binh. Bất kỳ nguồn cung vũ khí mới nào cũng có thể cho phép Moscow tiếp tục các đợt tấn công.
Tuy nhiên, thành công sẽ phải trả giá đắt và có thể làm cạn kiệt nguồn cung vũ khí của Điện Kremlin.
Hiện rất khó để xác định mức dự trữ đạn dược hiện tại của Nga, nhưng ông O'Brien cho rằng Nga chắc chắn đã sử dụng nhiều hơn nhiều so với những gì họ dự kiến ban đầu.
Hồi tháng 11, trả lời NBC News, một quan chức cấp cao của Mỹ ước tính Nga đã bắn khoảng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Cùng tháng, các quan chức Mỹ tiết lộ Triều Tiên đã bí mật cung cấp cho Nga một số lượng lớn đạn pháo. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang thực sự cạn kiệt nguồn cung vũ khí.
Ông Frank Ledwidge, giảng viên cao cấp về luật và chiến lược tại Đại học Portsmouth ở Anh, cho biết: “Tất cả những khẩu pháo chỉ là những ống kim loại rỗng nếu không thể có đạn để bắn ra”.