|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine yêu cầu Mỹ viện trợ bom chùm đang bị hàng trăm quốc gia cấm sử dụng

08:37 | 07/03/2023
Chia sẻ
Ukraine đang yêu cầu Mỹ viện trợ các loại bom, đạn pháo chùm nhằm cản bước tiến của Nga. Tuy nhiên, những loại vũ khí này đã bị nhiều quốc gia cấm do khả năng tiêu diệt sinh mạng bừa bãi trên một phạm vi rộng lớn, cũng như những hậu quả về môi trường.

Reuters dẫn lời hai nhà lập pháp Mỹ cho biết Ukraine đã yêu cầu viện trợ bom chùm - loại vũ khí gây tranh cãi mà Washington đang muốn loại bỏ - để tấn công lực lượng Nga từ máy bay không người lái.

Kiev đang kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ gây sức ép buộc Nhà Trắng chấp thuận đề nghị trên, Tuy nhiên, không có gì để khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chiều ý Ukraine.

Bom chùm (còn gọi là bom bi) là loại vũ khí bị cấm bởi hơn 120 quốc gia bởi khả năng giải phóng một lượng lớn bom nhỏ hơn, tiêu diệt sinh mạng bừa bãi trên một phạm vi rộng lớn, đe dọa tới tính mạng thường dân.

Mỹ không nằm trong số các quốc gia ký kết Hiệp ước cấm bom chùm.

Bom chùm tiêu diệt sinh mạng trên một phạm vi rộng lớn, không phân biệt dân thường hay binh lính. 

Hạ Nghị sĩ Jason Crow và Adam Smith cho biết Ukraine đang yêu cầu bom chùm MK-20 để thả từ máy bay không người lái. Ngoài ra, Kiev cũng mong muốn Mỹ sẽ gửi đạn pháo chùm cỡ nòng 155 mm. Phía Ukraine đã hối thúc các nhà lập pháp Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng trước.

Chống chiến thuật “biển người”

Các nhà lập pháp Mỹ cho biết Ukraine muốn có được Đạn cải tiến thông thường có mục đích kép (DPICM) - mỗi quả đạn pháo có khả năng giải phóng 88 quả đạn cỡ nhỏ - để ngăn chặn các đợt tấn công “biển người” của Nga vào thành phố Bakhmut.

Trong khi đó, bom MK-20 được thả từ máy bay. Khi ở trên không, loại bom này sẽ giải phóng hơn 240 quả bom nhỏ. Quân đội Ukraine tin rằng loại bom này có “khả năng xuyên giáp tốt hơn” so với những vũ khí mà họ đang thả từ máy bay không người lái, ông Smith cho biết.

Tập đoàn Textron Systems đã ngừng sản xuất MK-20 vào năm 2016. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn 1 triệu quả bom MK-20 trong kho dự trữ.

 

Một quả bom chùm chứa hơn 600 bom nhỏ được thả từ máy bay Israel trong chiến tranh Li-băng (Lebanon) năm 2006. (Ảnh: AP).

 

 

Vũ khí bị cấm

Ukraine đã nhận được nhiều vũ khí mà ban đầu Mỹ từ chối viện trợ, chẳng hạn như hệ thống tên lửa đất đối đất HIMARS, hệ thống phòng không Patriot và xe tăng Abrams. Tuy nhiên, bom chùm có thể là một bước tiến quá xa đối với Nhà Trắng và một số thành viên Quốc hội Mỹ.

Những người phản đối cho rằng bom chùm có thể gây thương tật, giết hại dân thường và có tỷ lệ hỏng hóc cao. Những quả bom chưa nổ có thể gây nguy hiểm trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.

Một hiệp ước năm 2008 cấm việc sản xuất, sử dụng và tàng trữ bom chùm đã được 123 quốc gia phê duyệt, bao gồm hầu hết 28 thành viên NATO. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine từ chối tham gia.

Ông Tom Malinowski, cựu quan chức về nhân quyền hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng việc gửi “một loại vũ khí bị cấm sẽ làm suy yếu nền tảng đạo đức” của Kiev. 

Tuy nhiên, một số thành viên Quốc hội Mỹ “khá dễ chấp nhận” các yêu cầu của Ukraine. Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham nói: “Đây là một cuộc chiến mà Ukraine bị áp đảo”. “Bom chùm gây sát thương khá lớn đối với đội hình tập trung cũng như thiết giáp. Ở những khu vực mà [Ukraine] sử dụng vũ khí này sẽ không có thường dân”, ông nói.

Cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng bom đạn chùm kể từ năm 2014, theo báo cáo từ truyền thông và các nhóm nhân quyền. 

Mỗi năm, chính phủ Mỹ đang chi 6 triệu USD để loại bỏ đạn pháo chùm cỡ nòng 155 mm cũng như những loại đạn cũ khác. Việc cung cấp DCIPM sẽ giảm bớt tình trạng thiếu đạn pháo 155 mm của Ukraine.

Tuy nhiên, việc cung cấp DCIPM sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề bom mìn chưa phát nổ tại Ukraine do tỷ lệ hỏng hóc cao. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoảng 174.000 km2 - hay 1/3 lãnh thổ Ukraine đang bị ô nhiễm bởi bom mìn.

Minh Quang