Ngành công nghiệp vũ khí đang ăn nên làm ra, hai nhà thầu quốc phòng Mỹ trúng đậm
Hiếm sự kiện nào có thể cho công chúng góc nhìn toàn cảnh về ngành công nghiệp vũ khí như một hội chợ quốc phòng quy mô lớn.
Và tuần trước, triển lãm quốc phòng hai năm tổ chức một lần của Abu Dhabi (IDEX) vừa cho thấy lĩnh vực này đang ăn nên làm ra như thế nào.
Triển lãm diễn ra trên một khu vực đủ để xây dựng một thị trấn nhỏ, thu hút khoảng 130.000 khách tham quan từ 65 quốc gia, bao gồm nhiều quân nhân, quan chức chính phủ và giám đốc của các nhà thầu quốc phòng lớn.
Theo CNBC, triển lãm IDEX năm nay chính là sự kiện quốc phòng lớn và đông người tham dự nhất trong suốt nhiều năm qua.
Dễ hiểu tại sao sự kiện lại thành công đến vậy. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cách đây một năm đã làm biến đổi ngành công nghiệp vũ khí, đẩy mọi doanh nghiệp vào một guồng quay hối hả hơn.
Kể từ thời điểm bước ngoặt vào cuối tháng 2/2022 đó, chính phủ các nước trong và ngoài NATO đã cam kết chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn bao giờ hết.
Chia sẻ với CNBC, một nhà thầu quốc phòng Mỹ tại IDEX đã nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, Tổng thống Nga Vladimir Putin là tay bán vũ khí giỏi nhất. Nếu ông ta không gây chiến, sẽ không có ai mua tất cả những thứ này".
Trong một báo cáo về hàng không vũ trụ và quốc phòng hồi tháng 12 năm ngoái, McKinsey & Co. cho biết: “Kể từ khi chiến sự nổ ra, nhiều quốc gia châu Âu đã cam kết hoàn thành hoặc vượt mục tiêu [về chi tiêu quốc phòng] của NATO, trong một số trường hợp là sớm hơn vài năm so với kế hoạch ban đầu”.
Cuộc khủng hoảng quân sự tại Ukraine cũng thúc đẩy các nước “đánh giá lại giả định lâu nay rằng xung đột quy mô lớn tại châu Âu khó có thể xảy ra trong thế kỷ 21”, CNBC cho hay.
Chuyển biến mang tính lịch sử trong chi tiêu quân sự
Chỉ vài ngày sau khi Nga động binh, Đức tuyên bố sẽ chi thêm 100 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) cho quốc phòng. Đây là một thay đổi lớn đối với Đức, quốc gia đã hạn chế đầu tư vào lĩnh vực quân sự kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Chính phủ Ba Lan hiện đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên tương đương 3% GDP.
Vào đầu tháng 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chi tiêu quân sự hơn 30% trong những năm tới, đồng thời chuẩn bị lực lượng vũ trang cho các xung đột cường độ cao.
Bên cạnh đó, chỉ riêng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã đạt gần 50 tỷ USD trong năm ngoái.
Không chỉ phương Tây mới rót nhiều tiền vào lĩnh vực quốc phòng. Tháng 11 năm ngoái, Nga cho biết ngân sách quốc phòng năm 2023 là khoảng 84 tỷ USD, cao hơn 40% so với kế hoạch ban đầu (được công bố vào năm 2021).
Và Nhật Bản, đồng minh của NATO, đặt mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027, bởi các mối đe doạ khu vực từ Triều Tiên và Trung Quốc lớn dần.
Trung Quốc và Arab Saudi cũng lập kỷ lục chi tiêu quốc phòng vào năm 2022, bất chấp ảnh hưởng của lạm phát. Chi tiêu hiện không có dấu hiệu chững lại.
“Thật không may, [nhưng] công việc kinh doanh của chúng tôi đang rất thuận lợi”, nhân viên của một nhà sản xuất máy bay không người lái của Pháp tại IDEX cho biết.
Doanh nghiệp quốc phòng Mỹ nhận đơn hàng kỷ lục
Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ đang tận hưởng một vận may trời cho. Vào tháng 1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm tài khoá vừa qua, doanh số bán thiết bị quân sự ra nước ngoài đã nhảy vọt 49% lên 205,6 tỷ USD.
Các nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon đã nhận được những đơn hàng kỷ lục. Doanh thu thuần của Lockheed trong quý IV đạt 19 tỷ USD, cao hơn 3% so với kế hoạch nội bộ và tăng so với mức 17,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2021.
Tổng giá trị đơn hàng mà Raytheon chưa giao cho khách hàng đã vượt qua 150 tỷ USD vào năm ngoái. Doanh thu quý IV của mảng thiết bị phòng thủ và tên lửa tăng 6,2% lên 4,1 tỷ USD.
Song, các công ty này cho biết họ đang bị cản trở bởi các vấn đề chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động. Doanh số bán hàng có thể cao hơn nhiều nếu không gặp những trở ngại đó.
Kho vũ khí “cạn kiệt” của châu Âu
Trong khi đó, châu Âu lại đang cảm thấy sốt ruột sau nhiều năm đầu tư quá ít vào lĩnh vực quốc phòng, phụ thuộc nhiều vào Mỹ cũng như sau một thời gian gửi nhiều vũ khí và đạn dược tới Ukraine.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần phải ngăn kho vũ khí của chính mình bị cạn kiệt hoàn toàn, tờ CNBC nhấn mạnh.
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, cho biết: “Kho dự trữ quân sự của hầu hết quốc gia thành viên đều đã cạn kiệt ở mức độ cao, bởi chúng tôi cung cấp rất nhiều vũ khí cho Ukraine”.
“Tình hình ngày càng trở nên cấp bách hơn. Châu Âu thảo luận rất nhiều về vấn đề này”, quản lý tại một công ty sản xuất máy bay không người lái của Anh cho hay. Khi được hỏi rằng liệu nhu cầu máy bay không người lái của công ty có tăng lên hay không, vị quản lý trả lời: “Theo cấp số nhân”.
Thales, công ty quốc phòng đa quốc gia của Pháp, là một trong những doanh nghiệp tư nhân đang nỗ lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của quân đội Pháp cũng như của các nước đồng minh.
Ông Christophe Salomon, Phó Giám đốc cấp cao tại Thales, gợi ý rằng chính phủ cần giúp đỡ doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Chính phủ Pháp đã phác thảo một số biện pháp hỗ trợ, bao gồm đơn giản hoá các hợp đồng quân sự và thủ tục hành chính, khuyến khích sử dụng linh kiện trong nước sản xuất thay vì hàng nhập khẩu, cải thiện quan hệ hợp tác công - tư,...
Pháo tự hành Caesar của Pháp, vốn đạt hiệu quả khá cao tại chiến trường Ukraine, thường mất hai năm để chế tạo. Paris đặt mục tiêu cắt giảm thời gian đó xuống một nửa.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Thales đã cung cấp cho Ukraine hệ thống radar GM200 tân tiến, thường mất hai năm để sản xuất. Do đã tăng mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng và mua trước các hệ thống con từ năm ngoái, Thales cho biết họ có thể lắp ráp GM200 trong 4 tháng.