|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tài sản sinh sôi ở Nga nhưng nhà đầu tư nước ngoài đành bất lực nhìn mà không thể chạm vào

14:37 | 24/02/2023
Chia sẻ
Có hàng tỷ USD ở Nga nhưng các chủ sở hữu nước ngoài lại bất lực đứng nhìn mà không thể tiếp cận được bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga.

Đồng ruble của Nga và USD của Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Có hàng tỷ USD ở Nga nhưng các chủ sở hữu nước ngoài lại bất lực đứng nhìn mà không thể tiếp cận được, Bloomberg đưa tin.

Đây chính là lượng cổ tức, tiền lãi trái phiếu và nhiều tài sản khác mà các nhà đầu tư phương Tây không thể bán đi trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra cũng như bị mắc kẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh sau đó.

Số tài sản này là tàn dư của những gì còn sót lại trong mối quan hệ giữa Nga với thị trường tài chính quốc tế, đồng thời là một dấu mốc cho thấy sự cô lập mà nước này phải đối mặt khi cuộc chiến tại Ukraine bước sang năm thứ hai.

Về mặt pháp lý, hàng tỷ USD tài sản nói trên thuộc về một số hãng đầu tư lớn nhất thế giới như JPMorgan Asset Management và Schroders.

Song, hầu hết đều thừa nhận rằng họ không hy vọng có thể thu hồi được số tiền. Ít nhất là các tổ chức này không thể làm vậy khi ông Vladimir Putin vẫn là Tổng thống Nga.

“Bạn phải xoá sổ toàn bộ, phải quên đi tất cả số tài sản đó”, ông Tim Love, quản lý tại quỹ GAM Investment Management, nhấn mạnh. “Thị trường vẫn còn hoạt động, nhưng chúng tôi khó chuyển cổ tức về nước hoặc tiếp cận các cổ phiếu vì lệnh trừng phạt”.

Trong các cuộc trao đổi cùng Bloomberg, các nhà quản lý tài chính đã thể hiện một chút thất vọng và nhiều người không muốn nói về việc sở hữu tài sản tại Nga khi chiến sự vẫn tiếp diễn. Họ không thể rút tiền về, bởi phương Tây có thể gia tăng trừng phạt lên Nga.

Tại một cuộc họp báo đầu tháng 2, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina đã từ chối tiết lộ số tiền đang nằm trong các tài khoản ngân hàng dành cho người không cư trú (hay tài khoản Loại C) nhưng cho biết con số đang tiếp tục tăng lên.

Dẫn các nguồn tin từ chính phủ, hãng tin Interfax đưa tin hồi tháng 11 năm ngoái rằng các tài khoản này đang nắm giữ hơn 280 tỷ ruble (tương đương 3,7 tỷ USD). Đại diện của ngân hàng trung ương Nga từ chối đưa ra bình luận.

Trước chiến sự, các khoản đầu tư của nước ngoài vào Nga rất lớn, riêng vào chứng khoán và trái phiếu chính phủ đã lên tới 150 tỷ USD, theo dữ liệu từ Sàn Giao dịch Chứng khoán Moscow và ngân hàng trung ương Nga.

Nhiều công ty quản lý tài sản đã đình chỉ các quỹ giao dịch của họ ở Nga, nhưng một số vẫn ước tính giá trị theo lý thuyết của các tài sản đó cho khách hàng.

Chẳng hạn, một quỹ uỷ thác của JPMorgan Asset Managemet tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông đã trao đổi với khách hàng rằng các công ty Nga mà họ nắm giữ vẫn tiếp tục trả cổ tức.

Tính đến ngày 4/1, giá trị lượng cổ tức nằm trong các tài khoản Loại C của quỹ này đạt 6,3 triệu bảng Anh (tương đương 7,6 triệu USD). Tuy nhiên, quỹ nhấn mạnh rằng họ hiện không thể tiếp cận khoản tiền đó.

Chia sẻ với Bloomberg, một công ty quản lý tài sản khác là East Capital cho biết họ có tổng cộng 13 triệu euro (khoảng 13,8 triệu USD) trong các tài khoản Loại C, tính đến tháng 2 năm nay.

Alexandra Morris, Giám đốc phụ trách đầu tư tại công ty quản lý quỹ Skagen AS của Na Uy, cho hay: “Chúng tôi phải thận trọng về những thông tin gửi đến khách hàng”.

“Chúng tôi có thể thông báo đến họ rằng đây là giá trị những tài sản mà họ đang nắm, nhưng khả năng chúng tôi có thể tiếp cận chúng thì rất thấp. Số tiền này có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào”, bà nói.

Mặc dù hơi xa vời, một số nhà quản lý quỹ hy vọng rằng họ có thể thu hồi một phần số tiền mắc kẹt ở Nga.

Trong báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái, East Capital cho biết: “Chúng tôi vẫn tin rằng phần lớn danh mục đầu tư của công ty vẫn còn giá trị, vì chúng tôi biết chúng đang tạo ra dòng tiền tự do và cổ tức”.

Một số công ty quản lý tài sản khác đang tìm kiếm sợ trợ giúp về mặt pháp lý để lấy lại dù chỉ một phần khoản tiền của họ.

Ông Grigory Marinichev, đối tác tại hãng luật Morgan Lewis & Bockius ở New York, cho biết ông đang làm việc với các khách hàng muốn tìm các lỗ hổng kỹ thuật trong lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một giải pháp tiềm năng là chuyển tiền theo nhiều giai đoạn từ tài khoản Loại C sang các tài khoản tương tự do những nhà đầu tư mà Nga không xếp vào nhóm “không thân thiện” nắm giữ.

Một cách làm khác là chuyển đổi tài sản trong các tài khoản Loại C thành các chứng khoán có thể bán lại cho những nhà đầu tư không bị ràng buộc bởi lệnh trừng phạt, ông Marinichev cho hay.

Khả Nhân

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.