Phương Tây đang lặp lại sai lầm của Đức trong Thế chiến II khi viện trợ cho Ukraine
Bài học của Đức
Trong Thế chiến II, người Đức đã sản xuất ra những chiếc xe tăng, máy bay, tên lửa … mạnh mẽ, hiện đại và trở thành những biểu tượng. Khi được hỏi về xe tăng trong Thế chiến, mọi người sẽ ngay lập tức nhớ tới xe tăng Tiger (con Hổ), Panther (con Báo) trước tiên chứ không phải Sherman của Mỹ hay T-34 của Liên Xô.
Thế nhưng, lịch sử đã cho thấy rằng, phương pháp tiếp cận với thiết kế xe tăng, hay rộng hơn là học thuyết quân sự, triết lý sản xuất của phe Đồng minh đã giành chiến thắng trước phe Phát xít.
Tác giả Jonathan Parshall của Viện Hải quân Mỹ cho rằng nghiên cứu về triết lý sản xuất xe tăng của từng quốc gia có thể giúp chúng ta hiểu được cách vận hành cỗ máy chiến tranh của từng nước.
Tổng cộng trong Thế chiến II, Đức sản xuất khoảng hơn 46.000 phương tiện chiến đấu bọc thép (AFV), chỉ bằng một nửa so với sản lượng AFV của Mỹ và Liên Xô (mỗi nước hơn 100.000 chiếc).
Việc Washington sản xuất nhiều xe tăng hơn Đức là điều dễ hiểu, bởi Mỹ lúc đó là nền kinh tế đứng đầu thế giới và không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Nhưng Liên Xô, mặc dù thất thế trước Đức trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, lại là quốc gia sản xuất được nhiều xe tăng nhất trong Thế chiến II.
Trong giai đoạn những năm 1941-1942, nền kinh tế của Đức lớn hơn Liên Xô khoảng 40%, sản lượng than và thép đều gấp 4 lần. Thế nhưng, do những khác biệt trong tư duy sản xuất mà Đức đã bị thụt lại phía sau và thất bại.
Vào năm 1942, Liên Xô chỉ sản xuất duy nhất 3 loại xe tăng là KV-1, T-34 và T-60/T-70. Tất cả xe thiết giáp sau này của Liên Xô trong Thế chiến II, bao gồm cả các loại pháo tự hành, đều sử dụng 1 trong 3 khung gầm này. Việc giảm thiểu loại thiết bị cần sản xuất giúp cho Liên Xô có được lợi thế kinh tế theo quy mô, tiết kiệm chi phí nhờ sản xuất hàng loạt.
Do vòng đời của một chiếc xe tăng Liên Xô chỉ là 6 tháng và khi vào chiến trường là 14 tiếng, các kỹ sư cố gắng hướng tới sự đơn giản thay vì độ bền, nhằm sản xuất được số lượng lớn nhất và chi phí thấp nhất. Nếu xe tăng chỉ tồn tại được 6 tháng là bị bắn cháy thì sẽ không cần đến động cơ có khả năng tồn tại tới 5 năm.
Các cải tiến trên xe tăng của Liên Xô thường chỉ là đơn giản hóa và rút ngắn thời gian. Kết quả là đến cuối cuộc chiến, thời gian để chế tạo của thân xe tăng T-34 được rút ngắn từ 240 giờ xuống còn 80 giờ.
Ngược lại, Đức yêu cầu những chiếc xe tăng của mình có chất lượng cao, nhiều mẫu mã, lắm loại khung gầm và linh hoạt trong sản xuất. Chỉ riêng xe tăng Panzer III, vũ khí chủ lực của quân đội Đức trong Thế chiến II, đã có tới 14 phiên bản và được làm tại 6 nhà máy khác nhau.
Xe tăng Đức liên tục có các thay đổi trong quá trình sản xuất, khiến năng suất bị ảnh hưởng nặng nề. Về lý thuyết, nhà máy Henschel có thể tạo ra khoảng 240-360 xe tăng/tháng, nhưng con số thực tế không bao giờ vượt quá 104 xe.
Xe tăng Tiger I, niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Đức trong Thế chiến II, có hơn 250 sửa đổi trong vòng đời. Nếu tính trung bình, không có quá 6 chiếc Tiger I giống hệt nhau được xuất xưởng.
Mặc dù, Đức có thể tạo ra được những vũ khí mạnh mẽ, chiến thắng bất cứ đối thủ nào trong một cuộc đấu một chọi một, nhưng chiến tranh truyền thống là một cuộc chạy marathon. Xe tăng hay khí tài quân sự và rộng hơn là cách tiếp cận chiến tranh của Đức quá đắt đỏ, phức tạp, yêu cầu nhiều bảo dưỡng.
Trong khi Liên Xô và Mỹ tận dụng được tính kinh tế theo quy mô, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng, logistics … thì Đức lại mắc kẹt trong việc cố gắng tạo ra “Vũ khí kỳ diệu” (Wunderwaffe). Và sự thật là chẳng có một loại “Vũ khí kỳ diệu” nào có thể lật ngược tình thế với chỉ một vài chiếc trên chiến trường.
Lính Đức thường nói đùa với nhau về việc xe tăng của Đức tuy mạnh về chất lượng nhưng quá thiếu thốn về số lượng: Một chiếc Tiger có thể đấu được 10 chiếc Sherman, nhưng bọn Mỹ luôn có chiếc thứ 11.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin thì nói: "Số lượng cũng là loại chất lượng".
"Vũ khí kỳ diệu" cho Ukraine
Gần 80 năm sau, nước Mỹ và các đồng minh châu Âu dường như lại mắc phải sai lầm của Phát xít Đức trong Thế chiến II. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 54 tỷ USD nhằm viện trợ cho Ukraine kể từ tháng 1/2022. Hàng tỷ USD trong số này là cho các trang thiết bị và khí tài quân sự.
Tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa đất đối không Stinger, lựu pháo M777, pháo phản lực M142 HIMARS, các loại radar phản pháo … liên tục được chuyển tới cho Ukraine. Những vũ khí này đóng góp lớn trong việc giúp Kiev cầm chân quân đội Nga, nhưng dường như không đủ để ngăn điều tất yếu.
Khoảng 100 lựu pháo M777 được truyền thông phương Tây tung hô như “vũ khí kỳ diệu” có thể thay đổi cục diện trận chiến do tính năng vượt trội. Thế nhưng Nga vẫn tiếp tục, tuy chậm nhưng chắc, kiểm soát ngày càng nhiều lãnh thổ của Ukraine.
Theo RT, kể từ trước khi xung đột diễn ra, quân đội Ukraine đã dần được đào tạo theo tiêu chuẩn NATO, và vũ khí của Kiev thậm chí còn ngang bằng hoặc vượt qua nhiều thành viên trong liên minh quân sự này.
Thế nhưng, phần lớn kho vũ khí của Ukraine đang sử dụng vẫn được kế thừa từ thời Liên Xô, cùng với đó là đạn dược, kinh nghiệm và kiến thức sử dụng chúng.
Hiện tại, quân đội Ukraine đang sử dụng hàng chục loại súng trường tấn công, bao gồm từ kho vũ khí cũ, được viện trợ cũng như thu giữ của Nga. Vấn đề ở chỗ, những loại vũ khí này sử dụng nhiều cỡ đạn khác nhau, từ 7,62x39 mm, 5,45x39 mm của Nga cho tới 5,56x45 mm và 7,62x51 mm của NATO.
Tương tự, pháo hạng nặng của Ukraine đang sử dụng chủ yếu 4 cỡ nòng, 122 mm, 152 mm, 203 mm của Nga và 155 mm theo chuẩn NATO. Công việc hậu cần cho những loại vũ khí sử dụng cỡ đạn khác nhau, có những yêu cầu bảo dưỡng, sử dụng khác nhau là một cơn ác mộng.
The Guardian dẫn lời ông Vadym Skibitsky, Phó giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, cho biết Ukraine đang sử dụng 5.000 đến 6.000 viên đạn pháo mỗi ngày.
Theo ông Skibitsky. “Ukraine gần như đã sử dụng hết đạn pháo của riêng mình và hiện đang sử dụng đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO”.
Theo RFE/RL, những nhà sản xuất chủ yếu đạn pháo cỡ 152 mm thường là các nước Liên Xô, bao gồm cả Ukraine sử dụng là Nga và Trung Quốc. Việc kiếm thêm loại đạn này là một thách thức lớn. Trong khi đó, vũ khí vận chuyển tới Ukraine phải trải qua quãng đường dài và dễ trở thành mục tiêu của các cuộc không kích bởi Nga.
Không chỉ có pháo hay đạn súng trường khiến logistics trở nên phức tạp, viện trợ còn bao gồm xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không, tên lửa chống tăng …. Ví dụ như xe tăng T-72 M được Ba Lan viện trợ thiếu giáp phản ứng nổ ERA, và số trang thiết bị hiện đại.
Cũng có trường hợp hàng viện trợ lại quá hiện đại và khó sử dụng khi chưa được huấn luyện, như tên lửa chống tăng Javelin. Theo tờ New York Times, việc hướng dẫn binh sĩ sử dụng những loại vũ khí hiện đại của phương Tây đang trở thành thách thức lớn với Ukraine.
Trung sĩ Dmytro Pysanka chia sẻ trải nghiệm của mình khi nghiên cứu cách vận hành kính trắc viễn hiện đại được Mỹ viện trợ: “Tôi đã cố học cách sử dụng thứ này bằng cách dùng Google Translate để dịch hướng dẫn”.
Ông Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu Nga tại C.N.A., một viện nghiên cứu ở Arlington cho biết: “Người Ukraine rất háo hức sử dụng vũ khí phương Tây, nhưng những trang thiết bị này đòi hỏi phải được đào tạo mới có thể bảo quản tốt. Đây không phải là điều có thể dễ dàng đẩy nhanh”.
Lặp lại sai lầm
Sai lầm của Đức trong Thế chiến II trong cách tiếp cận chiến tranh dường như đang lặp lại tại Ukraine. Đức từng mong đợi những vũ khí vượt trội của mình có thể một địch nhiều, từ đó đem lại chiến thắng.
Nhưng sự thật Tiger II dù vượt trội tới đâu cũng không thể đối đầu với 10 chiếc Sherman hay T-34, và kể cả những “Vũ khí diệu kỳ” như tên lửa V-1, V-2 hay máy bay phản lực Me-262, Ar-234 đều đến quá muộn, quá ít và quá tốn kém để có thể lật ngược ván cờ.
Lựu pháo M777 hay pháo phản lực M142 HIMARS có thể hiện đại và hiệu quả, nhưng số lượng trên chiến trường của chúng quá hạn chế. Đó là chưa kể đến những thách thức khi Ukraine phải xử lý các vấn đề logistics liên quan, như vận chuyển đủ đạn dược, bảo trì tốt những vũ khí này.
Càng cuối Thế chiến II, các binh sĩ kỳ cựu của Đức càng ít đi, trong khi vũ khí lại ngày một trở nên phức tạp hơn. Tại Ukraine, khí tài hiện đại liên tục đổ về, nhưng kiến thức để sử dụng chúng lại không được truyền đạt kịp thời.
Khí tài quân sự của phương Tây viện trợ cho Ukraine dù mạnh tới đâu, nhưng nếu không có đạn dược và người vận hành, thì cuối cùng cũng không có ích trong việc chống lại quân Nga.