Châu Âu tích trữ củi để chuẩn bị cho mùa đông thiếu khí đốt
Theo RT, nhu cầu cao về gỗ nhiên liệu cũng như lò sưởi đã tăng lên tại nhiều quốc gia châu Âu. Ở Đức, nơi mà một nửa số căn hộ được sửa ấm bằng khí đốt, người dân đang tìm đến những loại năng lượng có nguồn cung đảm bảo hơn.
Những người bán củi nói với giới truyền thông địa phương rằng họ hầu như không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Đức cũng đang chứng kiến sự gia tăng các vụ trộm cắp gỗ.
Ở Hà Lan, các chủ doanh nghiệp cho biết khách hàng đang mua gỗ từ rất sớm. Tại Bỉ, các nhà sản xuất gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi giá cả nhiên liệu này đang tăng lên.
Tại Đan Mạch, một nhà sản xuất bếp sưởi nói với báo chí rằng, nhu cầu đối với sản phẩm này đang tăng lên kể từ khi đại dịch COVID bùng phát. Đặc biệt, trong năm nay, lợi nhuận dự báo sẽ đạt 16 triệu kroner (2 triệu EUR), so với chỉ 2,4 triệu kroner vào năm 2019 (gấp gần 7 lần).
Ngay cả Hungary, quốc gia không ủng hộ quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga và đồng ý mua thêm khí đốt của Moscow, cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn. Quốc gia này này đã công bố lệnh cấm xuất khẩu củi và nới lỏng một số hạn chế đối với việc khai thác gỗ.
Giáo sư Phoebe Koundouri thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens cho biết: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID, một mùa đông quá lạnh, mùa hè rất nóng và cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc, đã dẫn đến việc một lượng lớn LNG [được mua] trên khắp thế giới”.
Khi xung đột ở Ukraine xảy ra, các lệnh trừng phạt chống lại Nga và phản ứng của Moscow đã khiến giá tăng vọt.
"Châu Âu thực sự cần đóng vai trò như một nhà đàm phán giữa NATO, Nga và Ukraine, và mời Trung Quốc vào các cuộc thảo luận để tìm ra một giải pháp có lợi cho hàng triệu người đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng địa chính trị này", Giáo sư Koundouri nói.
Đốt củi "thân thiện với môi trường"
Đốt củi để lấy năng lượng không phải là điều mới mẻ ở EU. Trong thập kỷ trước, châu lục này còn coi đốt củi là một trong những cách tốt nhất để đạt mục tiêu môi trường.
Theo một tài liệu ban hành năm 2009, EU lập luận rằng củi nên được coi là một trong những nguồn năng lượng ưu tiên.
Theo dữ liệu do Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên đưa ra vào năm 2019, các quốc gia châu Âu đang chi 7 tỷ USD mỗi năm để trợ cấp cho việc đốt củi để lấy điện hoặc nhiệt.
Tính đến năm 2017, “Trong 15 quốc gia được nghiên cứu, hơn một nửa khoản trợ cấp năng lượng sinh khối (biomass: bao gồm củi, khí biogas, rác thải …) được thanh toán trong năm 2017 là tại Đức và Anh”.
EU là thị trường viên nén gỗ lớn nhất thế giới, tiêu thụ 23,1 triệu tấn (MMT) vào năm 2021, một kỷ lục dự kiến sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong năm nay, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
“Vào năm 2022, nhu cầu của EU dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 24,3 MMT, chủ yếu nhờ mở rộng thị trường ở Đức và Pháp, được thúc đẩy bởi các chương trình hỗ trợ lắp đặt hệ thống sưởi bằng sinh khối và giá nhiên liệu hóa thạch cao", báo cáo cho biết.
Nhu cầu về viên nén gỗ của EU đã vượt qua sản lượng trong 10 năm qua, dẫn đến việc tăng nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Belarus và Ukraine. Sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, EU đã cấm nhập khẩu gỗ từ Nga và Belarus, trong khi xuất khẩu từ Ukraine bị gián đoạn do chiến sự.
Các nhà phân tích lưu ý rằng khoảng trống đang được Mỹ lấp đầy. Theo báo cáo của Wall Street Journal, khối lượng xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, “[2022] đang vượt qua năm ngoái khi đạt kỷ lục hơn 7,4 triệu tấn viên nén gỗ được bán ra nước ngoài”.
“Giá trung bình trước bảo hiểm và chi phí vận chuyển đã tăng lên gần 170 USD một tấn, từ khoảng 140 USD vào năm ngoái”, tờ báo cho biết.
Chính sách không bền vững
Hiện tại, công dân của Đức đang được hưởng lợi từ trợ cấp khi chuyển sang sưởi ấm bằng củi. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan không ủng hộ việc đốt củi. Năm nay, Amsterdam quyết định ngừng trợ cấp cho việc sử dụng sinh khối trong các hệ thống sưởi ấm thành phố và nhà kính.
Đang có một cuộc tranh cãi liên quan đến Drax, nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất tại Anh. Năm 2021, công ty nhận được 893 triệu bảng Anh (1 tỷ USD) trợ cấp của chính phủ để đốt gỗ. Mới đây, tờ The Guardian đưa tin rằng Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Kwasi Kwarteng đã tuyên bố rằng nhập khẩu gỗ để đốt tại nhà máy điện Drax là “không bền vững” và “không hợp lý”.
Hầu hết các viên nén gỗ mà Drax sử dụng đều có xuất xứ từ Mỹ và Canada. “Thật vô lý và không bền vững khi lấy gỗ từ Louisiana và vận chuyển chúng đi nửa vòng trái đất”, ông Kwarteng nói thêm.
Năm nay, Ủy ban môi trường của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu về các quy tắc mới xác định những gì có thể được coi là "sinh khối bền vững". Theo dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), hàm lượng CO2 trên một đơn vị năng lượng trong gỗ tương đương với than đá và cao hơn nhiều so với khí đốt.
Đối mặt với khủng hoảng
“Liên minh Châu Âu đã và đang đầu tư rất nhiều tiền, cũng như nguồn nhân lực hoặc trí tuệ để cải thiện chất lượng của môi trường”, Giáo sư Aleksandar Djikic từ Trường Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica nói. "Cuộc khủng hoảng năng lượng chắc chắn sẽ đẩy lùi rất nhiều thành tựu môi trường",
Vào tháng 7, Nghị viện Châu Âu đã ủng hộ đề xuất công nhận điện hạt nhân và khí đốt là các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
Theo Giáo sư Djikic, châu Âu đã đi lùi nhiều bước trong nỗ lực khí hậu, và các quốc gia nghèo hơn có thể đối mặt với rủi ro phá rừng. Ông nói: "EU đã tham gia vào một cuộc 'phiêu lưu' mà không có sự chuẩn bị từ trước".
Nếu đặt các mục tiêu chiến lược sang một bên, những người dân đang phải đối mặt với giá năng lượng ngày càng tăng và chỉ muốn được ấm vào mùa đông sẽ như thế nào?
Giáo sư Djikic nói: "Các chính phủ phải suy nghĩ lại, xem xét lại những gì có thể làm vì lợi ích của người dân."
Đối thoại là phương tiện duy nhất để tìm ra lối thoát, Giáo sư Koundouri kết luận: “Các nhà lãnh đạo phải ngồi xuống và xem xét nghiêm túc cách giải quyết vấn đề này”.