|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones rớt gần 1.300 điểm, chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc sau báo cáo lạm phát

06:59 | 14/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/9 cắm đầu giảm sâu sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cho thấy lạm phát cao hơn dự báo, dẫn tới nguy cơ Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm sâu trong phiên 13/9 sau 4 phiên tăng liên tục.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 1.276 điểm, tương đương 3,94%, và đóng cửa ở gần 31.105 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,32% còn 3.933 điểm. Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 5,16% và đóng cửa ở 11.634 điểm.

Trong 500 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, chỉ có 5 mã đóng cửa với sắc xanh. Cổ phiếu công nghệ chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề với Meta (công ty mẹ của Facebook) sụt 9,4%, hãng sản xuất chip Nvidia tụt dốc 9,5%.

Tất cả 30 cổ phiếu bluechip thành viên của Dow Jones đều giảm giá. Đây là phiên giảm sâu nhất của cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 6/2020.

Dow Jones rớt 1.276 điểm trong phiên 13/9, trong khi tổng 4 phiên trước đó tăng 1.236 điểm.

Theo CNBC, phiên giảm sâu 13/9 đã xóa sạch thành quả hồi phục trong 4 phiên gần đây. S&P 500 hiện đã quay lại gần ngưỡng 3.908 điểm cuối phiên 6/9, một số nhà đầu tư lo ngại chỉ số đại diện thị trường này có thể sẽ kiểm định lại đáy dưới 3.700 điểm ghi nhận vào giữa tháng 6.

Lạm phát tháng 8 vượt dự báo

Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) sáng 13/9 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cao hơn dự báo của các nhà kinh tế. CPI toàn phần tăng 0,1% so với tháng liền trước bất chấp giá xăng giảm sâu, cho thấy có khả năng lạm phát đã lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác. CPI lõi (không bao gồm giá nhiên liệu và lương thực) tăng 0,6%.

Trong khi đó, dự báo của các nhà kinh tế là CPI toàn phần giảm 0,1% và CPI lõi tăng 0,3%, thấp hơn đáng kể so với mức lạm phát thực tế.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 8 tăng 8,3%, thấp hơn so với tháng 6 và 7 nhưng cao hơn con số 8% mà các chuyên gia của Dow Jones kỳ vọng.

Tốc độ tăng CPI tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn tháng 6 và 7 nhưng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Báo cáo CPI tháng 8 là một trong những thông tin cuối cùng mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đón nhận và nghiên cứu trước cuộc họp thường kỳ ngày 20-21/9. Thị trường tiền tệ dự báo chắc chắn Fed sẽ không tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) mà sẽ nâng 75 bps, thậm chí có 10% xác suất mức tăng sẽ là 100 bps.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong 4 phiên liên tiếp từ 7/9 đến 12/9 khi nhiều nhà đầu tư tin rằng lạm phát đã chạm đỉnh và bắt đầu đi xuống, do đó Fed có khả năng sẽ sớm giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ. Báo cáo CPI công bố sáng 13/9 đã xóa tan hy vọng này và đà lao dốc của các chỉ số đã thổi bay thành quả tăng của 4 phiên trước.

CNBC dẫn lời ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu tại tập đoàn quản lý tài sản Janus Henderson Investors, nhận xét: “Báo cáo CPI tháng 8 là nhân tố tiêu cực toàn diện đối với thị trường cổ phiếu. Lạm phát cao hơn dự kiến cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ Fed thông qua các đợt nâng lãi suất. Số liệu mới này cũng gạt đi kịch bản ‘Fed sẽ chuyển hướng’ mà thị trường từng kỳ vọng trong ngắn hạn”.

CPI tháng 7 của Mỹ không tăng so với tháng 6, nhà đầu tư hy vọng đà tăng của giá cả đã được dập tắt. Tuy nhiên, CPI đã đi lên trở lại trong tháng 8.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều lao dốc, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Cổ phiếu dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin là những nhóm giảm sâu nhất khi cùng mất hơn 5%. Đây là những ngành nhạy cảm với lãi suất cao, dễ chịu thiệt hại khi Fed thắt chặt tiền tệ.

Nhóm năng lượng giảm ít nhất nhưng cũng mất tới gần 2,5% trong phiên 13/9. Giá dầu thô Brent và WTI giảm lần lượt 0,5% và 0,23%.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, ba nhóm giảm trên 5%.

Theo CNBC, ngân hàng Nomura dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 bps trong cuộc họp tháng 9 và 75 bps vào tháng 11. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 4 lần, thêm tổng cộng 225 bps.

Đức Quyền