|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế trưởng VinaCapital nói về điều giúp Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt bất chấp mối lo suy thoái toàn cầu

16:27 | 19/09/2022
Chia sẻ
Theo Kinh tế trưởng VinaCapital, một lý do giúp kinh tế Việt Nam vượt trội là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất.

HIện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc liệu Việt Nam có thể đứng ngoài những biến động thế giới khi mà kinh tế Mỹ và toàn cầu có nguy cơ suy thoái trong năm tới, và các nước đang phải vật lộn với tăng trưởng GDP chậm lại, lạm phát dâng lên.

Kinh tế Việt Nam vượt trội nhờ FDI

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết thực tế, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt. Ngân hàng Thế giới, IMF và các tổ chức khác gần đây cũng đều nâng mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ vượt 8% trong năm nay.

Đại diện VinaCapital phân tích một lý do khiến nền kinh tế Việt Nam vượt trội là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, đồng thời thúc đẩy tăng cường mức độ phức tạp của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.

 

Điều này rất quan trọng, vì sự gia tăng mức độ phức tạp của các sản phẩm mà một quốc gia đang phát triển có thể sản xuất là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế của quốc gia đó, theo nghiên cứu mới được công bố của Đại học Harvard.

Những thông tin gần đây từ Samsung, Apple và những công ty khác được nêu dưới đây làm VinaCapital tin tưởng các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới.

 

Cụ thể, Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam, và Apple cũng thông báo sẽ bắt đầu sản xuất Apple Watch và MacBook tại đây. Đây sẽ là lần đầu tiên những sản phẩm này được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Theo những người trong cuộc, Apple có “kế hoạch lớn cho Việt Nam” và họ cũng lưu ý Apple Watch đặc biệt phức tạp để sản xuất vì thách thức trong việc lắp đặt nhiều linh kiện vào một chiếc vỏ nhỏ như đồng hồ.

Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế London (LSE) và Ngân hàng Thế giới, FDI là công cụ để “giúp các nền kinh tế đang phát triển tiến vào các phần có giá trị gia tăng cao hơn của chuỗi giá trị” và FDI công nghệ cao đã có tác động tích cực to lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Intel và Samsung đều tăng cường sản xuất tại các nhà máy đầu tiên của họ ở Việt Nam vào năm 2010 và xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam sau đó đã tăng gần 20 lần, cùng thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã tăng trưởng gấp hai lần.

 Xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam tăng nhanh hơn khoảng 10 lần so với GDP. (Nguồn: VinaCapital).

Hơn nữa, Việt Nam đã đạt được bước nhảy vọt lớn nhất trong xếp hạng Chỉ số Phức tạp Kinh tế (ECI) của Harvard trong hai thập kỷ qua, một phần là do các khoản đầu tư của Samsung và Intel đã thu hút một loạt khoản đầu tư công nghệ cao khác từ Apple, LG Electronics, Dell và rất nhiều công ty Nhật Bản.

Theo ông Michael Kokalari, những động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp thành lập nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam bao gồm lực lượng lao động có kỹ năng cao, mặt bằng lương thấp và vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ cao ở châu Á.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây đã thúc đẩy sự dịch chuyển năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, bằng chứng là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng hơn gấp đôi từ 35 tỷ USD năm 2018 lên 71 tỷ USD (tương đương/GDP) trong năm 2021, cùng lúc thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng tăng hơn gấp đôi lên 54 tỷ USD.

FDI công nghệ cao thúc đẩy GDP của Việt Nam theo hai cách 

Kinh tế trưởng VinaCapital dẫn nghiên cứu của Trường Kinh tế London và các trường khác cho biết, FDI có tác động lớn nhất đến việc nâng cấp nền kinh tế của một quốc gia, nhưng tác động tức thì của các khoản đầu tư nước ngoài mới được công bố sẽ tạo ra những công việc có thu nhập tương đối cao theo tiêu chuẩn địa phương.

Do đó, FDI công nghệ cao thúc đẩy GDP của Việt Nam theo hai cách. Đầu tiên là nâng cao thu nhập và thứ hai là nâng cao năng lực đối với các sản phẩm phức tạp.

Điều này hỗ trợ tăng trưởng GDP trong ngắn hạn vì tiêu dùng nội địa chiếm 2/3 GDP của Việt Nam và cũng thúc đẩy triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam. 

Các nhà máy FDI tại Việt Nam vẫn đang nhập khẩu hầu hết linh kiện/đầu vào sản xuất. (Nguồn: VinaCapital).

Làn sóng đầu tư FDI mới vào hoạt động sản xuất các sản phẩm phức tạp sẽ tạo ra “hiệu ứng lan tỏa” khiến các nhà sản xuất trong nước phải đa dạng hóa sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.

"Các kế hoạch sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam sẽ đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được trong năm nay sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2023", ông nói.

Dù vậy, Kinh tế trưởng VinaCapital cũng nêu thực trạng các nhà máy FDI tại Việt Nam vẫn đang nhập khẩu hầu hết linh kiện/đầu vào sản xuất. Ông kỳ vọng “hàm lượng nhập khẩu” sẽ giảm dần và đóng góp của “hàm lượng nội địa” sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp trong nước củng cố khả năng cung cấp sản phẩm đầu vào.

Hồng Hà