|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sắp giao vốn cho các dự án thuộc gói kích thích, đầu tư công dự báo sẽ bùng nổ?

13:41 | 19/09/2022
Chia sẻ
Các dự án đầu tư công trong gói kích thích đủ điều kiện phân bổ sắp được giao kế hoạch vốn, chuyên gia dự báo lĩnh vực này sẽ có nhiều tín hiệu tích cực giai đoạn tới.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 15/9,  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giao vốn.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sớm thống nhất ý kiến đối với những dự án đủ điều kiện phân bổ, trình Chính phủ bổ sung dự toán ngân sách năm 2022 để giao kế hoạch chi tiết vốn cho các dự án đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong tổng số 176.000 tỷ đồng phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, có 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm 183 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 157.000 tỷ, hiện đã đầy đủ thủ tục đầu tư, đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao vốn. Phó Thủ tướng yêu cầu trong tuần (15/9 -18/9) phải làm xong.

Nhóm thứ 2 gồm 79 dự án, tổng số vốn gần 15.000 tỷ, hiện đã có danh mục nhưng chưa có chủ trương đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục theo quy định, phê duyệt chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó Bộ KHĐT tổng hợp trình Chính phủ giao vốn chính thức.

Nhóm thứ 3 có tổng mức khoảng 3.432 tỷ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành nhanh chóng thực hiện các thủ tục để Bộ KH&ĐT xử lý theo quy định.

Các dự án đầu tư công trong gói kích thích đủ điều kiện phân bổ sắp được giao kế hoạch vốn. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết kế hoạch đầu tư công năm nay và năm 2023 của Việt Nam đặc biệt hơn khi được bổ sung thêm khoảng 100.000 tỷ đồng đầu tư cho công trình giao thông từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ đang có hàng loạt hành động quyết liệt để thúc đẩy đầu tư công. Giai đoạn tới lĩnh vực này dự báo sẽ bùng nổ, việc thực hiện đầu tư công có thể được thúc đẩy khi giá của một số vật liệu xây dựng như sắt thép đã bắt đầu giảm.  

Trước đó, hồi tháng 6, giải trình về tình hình triển khai Chương trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho  biết trong 176.000 tỷ chi đầu tư công, trừ đi 42.000 tỷ hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại và cấp bù lãi suất, chi phí quản lý cho NHCSXH thì còn 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho các công trình giao thông khoảng chừng 103.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai các dự án đầu tư công phải theo quy định rất chặt chẽ của Luật Đầu tư công. Cho nên "gói này thực hiện chậm". Bình thường đối với những dự án thực hiện đầu tư công, khi đưa vào kế hoạch đầu tư công đã mất 1 năm rưỡi.

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng tốc nhanh vào giai đoạn 2023-2025.

"Thông thường, cần từ 6-8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Đồng thời, việc sớm có chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng cho phù hợp diễn biến thị trường cũng sẽ giúp đẩy tiến độ đầu tư", VDSC nhận định.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam trong báo cáo vĩ mô mới nhất cũng khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa quá khởi sắc, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.  

"Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công như một công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang ở mức thấp do yếu tố chủ quan từ các Bộ, ngành và địa phương; giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu; nguồn cung cấp nguyên vật liệu (đất, cát, sỏi) cho công trình lớn còn hạn chế", các chuyên gia tại đây cho hay.

Hôm qua tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022, vấn đề đầu tư công cũng được các chuyên gia, khách mời thảo luận. Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam cho biết hiện có nhiều nhà thầu có tâm lý e ngại nhận các dự án đầu tư công. Theo ông, vướng mắc lớn nhất liên quan đến thủ tục đầu tư và thanh toán. 

Vấn đề thứ hai là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Ông Hiệp cho biết có những cái đơn giá chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện, ví dụ như đóng cọc bê tông cốt thép theo định mức chỉ là 55.000 đồng một mét dài nhưng giá thi công thực tế là 150.000 đồng.

Bên cạnh đó, đơn giá nhân công cũng vô cùng lạc hậu, ví dụ đơn giá nhân công bậc 3. 5/7, nhóm 2 quy định là 235.000 đồng một ngày công, trong khi đơn giá thuê khoán hiện nay là 450.000 đồng, thậm chí thợ hàn bậc cao phải thuê tới 600.000 đồng một ngày.  

Tại Diễn đàn, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cũng chỉ ra loạt chính sách trong Chương trình tương đối mờ nhạt, ngoại trừ chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt  

"Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm, số liệu hết tháng 8 cho thấy tổng chi đầu tư phát triển chỉ đạt hơn 40% dự toán. Nhiều khoản chi đầu tư từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn chưa thể giải ngân", ông nêu vấn đề.

Hồng Hà

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.