|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đơn giá định mức lạc hậu chỉ bằng 1/3 thực tế, nghịch lý nhà thầu không muốn nhận các gói đầu tư công

18:49 | 18/09/2022
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện đang có khá nhiều nhà thầu, kể cả nhà thầu mạnh có tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một tình trạng rất nghịch lý, bởi vì không có nhà nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì đơn giá định mức rất khó thực hiện.

Tại phiên tọa đàm cấp cao – Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022 tổ chức ngày 18/9 , ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam đề cập đến những khó khăn của các nhà thầu hiện nay.   

Ông cho biết trong 8 tháng đầu năm 2022, mới chỉ giải ngân đạt 34%. Như vậy, gần như đây là nghịch lý là tại sao các doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng khá mạnh nhưng giải ngân đầu tư công lại không thể giải ngân nhanh mặc dù tiền có dư. Đây là câu hỏi tưởng tưởng như vô lý nhưng lại đang tồn tại trong thực tế hiện nay. Theo ông, vướng mắc lớn nhất liên quan đến thủ tục đầu tư và thanh toán.

 Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

"Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã vào cuộc khá quyết liệt. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế chỉ định thầu với gói thầu trên 3.000 tỷ đồng nhưng hiện nay số nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá được 50 nhà thầu.

Cho nên, có thể nói là chúng ta có khá nhiều gói thầu nhưng nhà thầu của chúng ta đạt được tiêu chí cũng không nhiều. Các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn hết sức cồng kềnh mà chúng ta chưa có cơ chế, quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn", ông nói.

Vấn đề thứ hai, theo ông Hiệp, hiện nay các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang rất đau đầu vì đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những cái đơn giá chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện. Ví dụ, đóng cọc bê tông cốt thép theo định mức chỉ là 55.000 đồng một mét dài nhưng giá thi công thực tế là 150.000 đồng.

Đơn giá nhân công cũng vô cùng lạc hậu, ví dụ đơn giá nhân công bậc 3. 5/7, nhóm 2 quy định là 235.000 đồng một ngày công, trong khi đơn giá thuê khoán hiện nay là 450.000 đồng, thậm chí thợ hàn bậc cao phải thuê tới 600.000 đồng một ngày.  

Ngoài ra có những định mức chuyên ngành giao thông không có vì trước kia chúng ta chưa từng làm. Ví dụ như công tác lắp đặt thi công cáp treo cầu dây văng; cầu dây võng; gia công lắp dựng vòm cầu thép;…

"Do vậy các nhà thầu Việt Nam đứng trước một khó khăn là không làm được theo đơn giá định mức. Ví dụ Vinaconex khi nhận gói thầu Mai Sơn Quế Lộ, sau khi nhận giá gói thầu, bắt đầu bóc dự toán triển khai thì tính ra đã lỗ 45% mặc dù chưa làm", Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam trình bày.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện đang có khá nhiều nhà thầu, kể cả nhà thầu mạnh có tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một tình trạng rất nghịch lý, bởi vì không có nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì đơn giá định mức rất khó thực hiện.

Thay mặt Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét ba đề xuất.

Thứ nhất, cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công tố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.

Thứ hai là triệt để tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, nhất là các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.

Thứ ba, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.

“Nợ đọng của các công ty xây dựng rất nặng nề, có những đơn vị triển khai công trình từ 2010 đến nay vẫn chưa được quyết toán, có đơn vị vốn 800 tỷ đồng nhưng nợ đọng lên đến 1.500 tỷ”, ông nói và mong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sớm xem xét và có giải pháp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Thông tin thêm về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ cũng tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tiến hành giám sát, khảo sát đối với vấn đề. Trong đó, đối với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông nhưng đến nay vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng, một số các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao cho nhà thầu, khối lượng giải ngân đạt trên 50%, chậm so với tiến độ đề ra.

Theo ông Thanh, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là định mức đơn giá kỹ thuật lạc hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao, có những nguyên vật liệt tăng tới 20-25%.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng hợp về sự biến động của giá nguyên vật liệu để có giải pháp không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên, trong những vướng mắc cũng có trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, giám sát, trách nhiệm của các nhà thầu, chủ đầu tư trong việc tư vấn điều tra, khảo sát vẫn chưa quan tâm sát sao.

Ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, để giải quyết tình trạng chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đây là bài học để triển khai các công trình quan trọng quốc gia của giai đoạn 2021 -2026. Hiện nay, đối với công tác giải phóng mặt bằng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương quan tâm đẩy nhanh hơn.

Đặc biệt, các địa phương phải công bố định mức các đơn giá hàng tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay để đơn giá sát với thực tế, tạo điều kiện cho công tác thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn của nhà thầu. Đối với những lĩnh vực chưa có đơn giá, định mức kỹ thuật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng và ban hành.  


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.