|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Đừng quá e ngại lạm phát, bơm vốn cho nền kinh tế cần tiếp tục được ưu tiên

11:25 | 01/08/2022
Chia sẻ
Khuyến nghị "không sợ lạm phát thái quá" cũng từng được nhiều chuyên gia nhắc tới bởi lạm phát hiện nay tại Việt Nam là chủ yếu do chi phí đẩy.

Mới đây chia sẻ với VTV, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá năng lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam hiện nay vẫn tốt. Ông cho rằng đừng quá e ngại lạm phát, việc tiếp tục bơm vốn cho nền kinh tế cần được ưu tiên, do lạm phát tăng lên cho đến nay chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy, yếu tố nhập khẩu từ bên ngoài.

Trước đó tại hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” hồi cuối tháng 6, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tinh thần phục hồi và phát triển. 

Khuyến nghị "không sợ lạm phát thái quá" từng được nhiều chuyên gia nhắc tới bởi lạm phát hiện nay tại Việt Nam là do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. 

Tại hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" tổ chức hồi giữa tháng 7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định lạm phát cơ bản tăng thấp nên ông cùng nhóm chuyên gia kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn một chút, có thể là 15%. Ông cho rằng nếu kiên định 14% thì chương trình phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện hơn. 

Ông Lực nhắc tới ba nhóm làm tăng lạm phát chính gồm giao thông, vật liệu xây dựng, dich vụ hàng ăn uống.

"Các yếu tố tác động vào lạm phát nhiều nhất và nhanh nhất năm là giao thông do giá xăng dầu tăng. Bây giờ chống lạm phát là phải bình ổn giá xăng dầu tốt nhất có thể. Chúng tôi đang kiến nghị ngoài thuế bảo vệ môi trường thì tiếp tục xem xét giảm 30% đối với các thuế phí còn lại", ông nói.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê càng khẳng định thêm nhận định lạm phát do chi phí đẩy có cơ sở. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Nhóm giao thông giá giảm 2,85% trong tháng 7 do giá xăng dầu trong nước giảm. 

Trước đó bức tranh CPI nửa đầu năm bị chi phối đáng kể bởi giá xăng dầu khi mức tăng là 51,83% so với cùng kỳ năm trước. Giá gas trong nước 6 tháng tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép, cát,… tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng ảnh hưởng tiêu cực đến CPI. 

Sau khi Chính phủ quyết định giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giá của mặt hàng này đã giảm đáng kể. Cụ thể tính từ đầu tháng 7, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã có ba đợt giảm liên tiếp, đưa mặt hàng này về ngang mức giá hồi tháng 2. 

Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm thế giới vẫn cao nên giá xăng 2 tháng tới có thể quanh 31.000 đồng/lít và sang quý IV có thể giảm về 24.000 đồng/lít. 

 

Trả lời về việc liệu lạm phát có thể được kiểm soát dưới 4%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu xuống mức sàn khung thuế suất cùng với đà giảm của giá xăng dầu thời gian gần đây làm áp lực lạm phát giảm đáng kể. Vì thế theo ông đánh giá, lạm phát năm nay có thể kiềm giữ được dưới 4%.

Trong khi đó Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần triển khai nhanh hơn gói liên quan đến vấn đề gia hạn thuế, giảm thuế, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất 2%. Theo ông, việc này sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn với chi phí thấp, từ đó tạo ra hàng hóa nhiều hơn, tăng nguôn cung hàng hóa thì góp phần kiểm soát giá tốt hơn.

Anh Đào