|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm phục hồi nhanh, tăng trưởng cao

07:05 | 01/08/2022
Chia sẻ
Tình hình kinh tế thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên Việt Nam vẫn được nhận định là một trong số ít các quốc gia phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Năm 2022 đã đi qua được hơn nửa chặng đường, tuy nhiên, theo các chuyên gia tình hình không hề lạc quan lên mà ngày càng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. 

Các chuyên gia đánh giá tình hình thế giới đang biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa dự báo được và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia.Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo vẫn Việt Nam là một trong số ít các quốc gia phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới.  

Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chiều 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi thảo luận với các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia đánh giá, nền kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, trong đó nổi bật là xung đột Nga - Ukraine kéo dài; đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn kết thúc, cũng như những vấn đề về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến kinh tế toàn cầu rơi vào bất ổn.

Tại nhiều quốc gia, lạm phát đã tăng cao kỷ lục kể trong vòng 3-4 thập kỷ gần đây. Nhiều quốc gia, đối tác lớn thay đổi chính sách theo hướng tăng mạnh lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khoá. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. An ninh năng lượng và an ninh lương thực cũng đang là vấn đề đáng báo động.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, quy mô còn khiêm tốn, tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn đến bên trong, trong khi khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. 

Chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6,5%

Nhìn nhận về chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ và trên diện rộng, thành tích tiêm chủng xuất sắc giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động.

Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% trước đây lên 7%; đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022. 

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) thì kỳ vọng rằng, Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7%, lạm phát khoảng 3,8% trong năm 2022.

Chuyên gia từ WB tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được triển khai – được đánh giá là rất phù hợp với kinh tế số, phát triển xanh, hướng tới mô hình phát triển mới bền vững hơn và mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong vài chục năm tới. 

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết triển vọng phát triển kinh tế và lạm phát tại châu Á đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng các số liệu vẫn cho thấy Việt Nam có triển vọng phục hồi rất tốt; dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.

Tương tự, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định, Việt Nam đang phục hồi rất nhanh và vững chắc sau dịch COVID-19 trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn. 

 Việt Nam lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy mà xăng dầu là một yếu tố. (Ảnh: VGP).

 

Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu

Đối với các chuyên gia trong nước, TS. Trần Đình Cung nguyên Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, trong đó có việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ chính sách tiền tệ, như việc sử dụng 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất.

TS. Thành nhấn mạnh, Việt Nam có đủ nguồn lực, kinh nghiệm và công cụ để thực hiện cả 3 lựa chọn sáng tạo, phù hợp nhưng cũng đầy thách thức là "ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và gắn với phát triển bền vững".

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất cho rằng lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu từ tác động trên thế giới. Đây là điểm cần lưu ý khi triển khai các giải pháp, với khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng dầu. 

Hạ An

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.