|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

05:00 | 16/07/2022
Chia sẻ
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” tổ chức sáng 15/7, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Theo đó, kịch bản cao, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9%, khá cao so với kịch bản cơ bản là 6,7%.

Trong kịch bản cao, lạm phát bình quân đạt 3,7%, tăng trưởng xuất khẩu là 16,3% và thặng dự thương mại ở mức 2,7 tỷ USD.

Trong kịch bản cơ bản, lạm phát bình quân vẫn ở mức mục tiêu là 4%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,8% và thặng dư thương mại là 1,2 tỷ USD.

Như vậy, với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng năm 2022 gần sát với mức 7% mà Chính phủ đang đặt ra cho kinh tế năm nay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội.

Đi cùng với các kịch bản tăng trưởng, các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhắc đến những yếu tố tác động đến triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng tới. Đây cũng là các khuyến nghị chính sách để đảm bảo được tính khả thi của kịch bản cao.

Đó là khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và neo kỳ vọng lạm phát…

Cùng với đó, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xử lý các rủi ro gắn với với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD... cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia nghiên cứu lưu tâm.

Đặc biệt, các chuyên gia CIEM cũng chỉ ra, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, nhưng áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM khuyến nghị, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát lạm phát.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho rằng, chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu - tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa - tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, bà Minh cho biết, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

“Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh”, bà Minh nêu rõ.

Điểm đáng lưu ý nữa là bối cảnh 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. "Trong bối cảnh này, việc duy trì công thức từ những năm trước đó, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh theo hướng thị trường hiện đại, càng có ý nghĩa quan trọng”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Thúy Hiền