Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường TP HCM tăng gần 15% trong tháng 1
IIP giảm hơn 21% so với tháng trước
Cục Thống kê TP HCM cho biết, do tháng 1 là thời điểm bắt đầu chu kỳ Tết Nguyên đán nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố có sự đi xuống. Cụ thể, IIP tháng 1 của TP HCM giảm tới 21,1% so với tháng 12/2024 và giảm 9% so với tháng 1/2024.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/iip-tphcm-t1-1-20250210145137803.png?width=700)
IIP tháng 1/2025 so với tháng 12/2024 và tháng 1/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).
Tình hình hoạt động doanh nghiệp chưa có sự cải thiện
Môi trường kinh doanh trên địa bàn TP HCM cũng chưa có sự chuyển biến tích cực trong tháng đầu của năm 2025 khi số doanh nghiệp tham gia thị trường giảm 7,5% nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng vừa qua, tính từ ngày 1/1 - 20/1, thành phố đã cấp phép cho 1.802 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 10.393 tỷ đồng, giảm 45,4% về giấy phép và giảm 73,4% về vốn so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 7,5%
Tháng 1 là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng vừa qua của TP HCM ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 21,6%; dịch vụ lữ hành tăng 17%; doanh thu dịch vụ khác giảm 1,6%.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/2-blhhdvtd-tphcm-20250210144054609.png?width=700)
Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).
CPI tăng 4,29%, với 9/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng giá
Theo báo cáo, CPI tháng 1 của TP HCM tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 4,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 4,29% so với cùng kỳ, có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng. Hai nhóm có chỉ số giá giảm gồm nhóm bưu chính viễn thông và nhóm may mặc, mũ nón và giày dép.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/cpi-tp-hcm-t1-20250210143913437.png?width=700)
IIP tháng 1/2025 so với tháng 1/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).
Thu ngân sách giảm, chi ngân sách tăng mạnh
Trong tháng 1, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tại TP HCM ước đạt 67.267 tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán và giảm 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 58.867 tỷ đồng, đạt 15,9% dự toán và chiếm 87,5% tổng thu; thu dầu thô ước thực hiện 1.700 tỷ đồng, đạt 9,4% dự toán và chiếm 2,5% tổng thu; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 6.700 tỷ đồng, đạt 5,2% dự toán và chiếm 10% tổng thu.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/thu-ns-tp-hcm-2025021014391529.jpg?width=700)
Tình hình thu ngân sách Nhà nước tháng 1. (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương trừ tạm ứng ước thực hiện 6.454 tỷ đồng, đạt 3,7% dự toán và tăng tới 80,2% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 4.439 tỷ đồng, đạt 5,5% dự toán; chi đầu tư phát triển ước thực hiện 2.000, đạt 2,5% dự toán.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/chi-ngan-sach-20250210143912872.jpg?width=700)
Tình hình chi ngân sách địa phương tháng 1. (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).
Dư nợ tín dụng tăng 12,8%
Tính đến ngày 31/1, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 4,09 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,88 triệu tỷ đồng, chiếm 47,4% tổng dư nợ, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; dư nợ trung hạn và dài hạn ước đạt 2,08 triệu tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng dư nợ, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/10/tang-truong-tin-dung-20250210143914573.jpg?width=700)
Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng phân theo loại tiền tệ. (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
Theo thông tin từ Cục Thống kê TP HCM, trong năm nay, thành phố sẽ triển khai nhiều dự án giao thông, chỉnh trang đô thị quy mô lớn như: dự án khép kín đường Vành đai 2, đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, nút giao Mỹ Thủy, ngã tư Đình, cầu Rạch Tôm, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Cùng với đó, thành phố vẫn tiếp tục đẩy nhanh thi công các dự án trọng điểm như: tuyến đường sắt Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, đường Vành đai 3 TP HCM, nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ,...
![Trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 2 Trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 2](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/08/z6299616575334e5ef3811faaf599a57e52db78ac8284d-20250208201301941-avatar-15x10-20250208201533126.jpg?width=257&height=172)