Tháng 1/2025: Hà Nội thu ngân sách gần 100.000 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu
IIP giảm 8,2% so với cùng kỳ
Tháng 1 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tại Hà Nội ước tính giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của Cục Thống kê Hà Nội, tháng 12 là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất với công suất lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong mùa cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, bên cạnh đó, tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 12/2024 và tháng 1/2024, dẫn đến IIP giảm ở cả hai mốc so sánh.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng gần 40%
Theo Cục Thống kê Hà Nội, do tháng 1 năm nay trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nâng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 84.900 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 27,4%; doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng 36,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,8%; doanh thu dịch vụ khác tăng 18,9%.
Nhập siêu 2,82 tỷ USD
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội trong tháng đầu năm nay ước đạt 6,33 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,76 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 34,4% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hoá nhập siêu 2,82 tỷ USD.
Theo thống kê, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 890 triệu USD, tăng 63,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 420 triệu USD, gấp 2,7 lần cùng kỳ; sắt thép đạt 248 triệu USD, tăng 43,9%; kim loại đạt 154 triệu USD, tăng 50,7%.
Khách quốc tế gấp 2,7 lần khách nội địa
Tổng lượng khách du lịch do các cơ sở lưu trú tại Hà Nội phục vụ trong tháng 1 ước đạt 688.000 lượt người, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách nội địa ước đạt 188.000 lượt người, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 30,6% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 500.000 lượt người, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 39,7% so với cùng kỳ.
Chiếm phần lớn trong tổng lượng khách quốc tế là khách đến từ Hàn Quốc, đạt 55.500 lượt người. Tiếp theo đó là khách đến từ các thị trường: Trung Quốc đạt 38.500 lượt người, Mỹ đạt 36.000 lượt người, Nhật Bản đạt 22.200 lượt người, Anh 20.200 lượt người.
CPI tăng 3,09%
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, so với tháng 1/2024, CPI tăng ở 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ. Ba nhóm có CPI giảm so với cùng kỳ gồm: nhóm giáo dục giảm 7,69%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,06% và nhóm giao thông giảm 0,38%.
Thu ngân sách gần 100.000 tỷ đồng
Chỉ trong tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước đạt 96.100 tỷ đồng, bằng 19% dự toán năm và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 93.800 tỷ đồng, bằng 19,8% dự toán và tăng 32,2%; thu từ dầu thô đạt 400 tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán và tăng 6,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.900 tỷ đồng, bằng 6,9% dự toán và tăng 1,1%.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8.600 tỷ đồng, đạt 5,2% dự toán và tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.200 tỷ đồng, bằng 1,4% dự toán và giảm 64,2% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 7.400 tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán và tăng 49,1% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tình hình hoạt động doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục trong tháng đầu năm nay. Cụ thể, trong tháng 1, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.045 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 24,3% so với tháng 1/2024; với tổng vốn đăng ký đạt 13.800 tỷ đồng, giảm 53,4%. Bên cạnh đó, có 3.637 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 44%.
Ở chiều ngược lại, có 12.700 doanh nghiệp tại Hà Nội đã đăng ký tạm ngừng hoạt động trong tháng 1, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; 533 doanh nghiệp giải thể, tăng 8,9%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 4,4 triệu tỷ đồng
Ước đến cuối tháng 1, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 5,87 triệu tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 1 ước đạt 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,83% tổng dư nợ.
Tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm
Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 1 ước tính đạt 5.126 tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch năm và tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin về một số công trình trọng điểm trên địa bàn, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã giải ngân 19,6% kế hoạch vốn; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã giải ngân 12,9% kế hoạch vốn; dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình đã giải ngân 18,2% kế hoạch vốn; dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1 đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn.