|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội hút 1,8 tỷ USD vốn FDI, thu ngân sách vượt gần 10% dự toán

20:13 | 06/12/2024
Chia sẻ
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 447.200 tỷ đồng, vượt 9,5% so với dự toán năm. Trong đó, thu nội địa vượt dự toán 10,1%, thu từ dầu thô vượt dự toán 26,6% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 98,1% dự toán.

Thu ngân sách vượt dự toán năm 9,5%

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 do Cục Thống kê Hà Nội công bố, tính chung 11 tháng năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 447.200 tỷ đồng, vượt 9,5% so với dự toán năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, thu nội địa ước đạt 416.600 tỷ đồng, vượt dự toán 10,1% và tăng 18,5% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô ước đạt 3.800 tỷ đồng, vượt dự toán 26,6% và giảm 7,8% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 26.500 tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán và tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội,AM tổng hợp).

Một số lĩnh vực thu vượt dự toán năm trong thu nội địa như: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt dự toán 6,4%, thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước vượt 6,1%, thu thuế thu nhập cá nhân đạt vượt 11,2%,thu phí và lệ phí vượt 11,9%, thu lệ phí trước bạ vượt 4,9%.

Chi ngân sách địa phương 11 tháng ước thực hiện 90.000 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán năm và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 43.100 tỷ đồng, đạt 53,2% dự toán và tăng 28,9% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 46.900 tỷ đồng, đạt 81,9% dự toán và tăng 14,8% so với cùng kỳ.

4 ngành công nghiệp cấp I có chỉ số sản xuất tăng

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 của thành phố ước tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 7,3% so với tháng 11/2023. Trong đó, so với tháng 10, duy nhất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận tăng trưởng dương, tăng 3,6%. 

Bình quân 11 tháng năm nay, IIP Hà Nội tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, với 4/4 ngành công nghiệp cấp I đều tăng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hà Nội).

Số doanh nghiệp giải thể tăng gần 30%

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong 11 tháng đầu năm, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 27.100 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 276.700 tỷ đồng, giảm 6,9% về số lượng doanh nghiệp và giảm 13,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 9.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 12,7% so với cùng kỳ; 22.500 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,2%; hơn 4.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 29,2%. 

Tình hình hoạt động doanh nghiệp 11 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Tính chung 11 tháng năm nay, thu hút đầu tư FDI trên toàn thành phố đạt 1,8 tỷ USD. Trong đó, có 258 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn đạt 1,2 tỷ USD; 180 lượt tăng vốn đầu tư, với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 283,3 triệu USD; 213 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 341,1 triệu USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 780.000 tỷ đồng

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, với chuỗi sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa mua sắm dịp Black Friday cùng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến giao thương với các tỉnh, thành phố khác, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10, ước tính đạt 80.100 tỷ đồng.

Luỹ kế 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội đạt 780.100 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Hơn 4 triệu lượt khách quốc tế

Hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội vẫn duy trì khá ổn định trong những tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng năm nay, Hà Nội đã đón 5,795 triệu lượt khách du lịch, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khách quốc tế tính đến hết tháng 11 ước đạt 4,027 triệu lượt, tăng 36,8%; khách nội địa ước đạt 1,768 triệu lượt, tăng 12,7%.

Khách du lịch đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ 11 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 55 tỷ USD

11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt 54,9 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,1%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 37,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực vực kinh tế trong nước đạt 31,1 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,8%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

CPI tháng 11 giảm nhẹ

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của thành phố giảm 0,05% so với tháng 10 vừa qua nhưng tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,08% so với tháng 11/2023. 

Trong tháng 11, Hà Nội có 4/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước, gồm: nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống giảm 0,94%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,12%; nhóm giao thông giảm 0,09%.

Bình quân 11 tháng năm nay, CPI của thành phố tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm trước, với 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có CPI bình quân tăng.

Tốc độ tăng, giảm CPI bình quân 11 tháng năm 2024 so với bình quân cùng kỳ năm 2023.(Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội, AM tổng hợp).

Nợ xấu chiếm 1,72% tổng dư nợ

Tính đến cuối tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 5,677 triệu tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối tháng 10 và tăng 6,39% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 4,282 triệu tỷ đồng, tăng 0,79% so với cuối tháng 10 và tăng 18,38% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1,873 triệu tỷ đồng, dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,409 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,72% trong tổng dư nợ. 

Tình hình tín dụng ngân hàng tính đến cuối tháng 11 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm

Ngày 1/12 vừa qua, công trình Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đã đi vào vận hành thử nghiệm. Đây là một phần trong dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội. Dự án có mức đầu tư 16.300 tỷ đồng, với 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản, bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha. 

Bên cạnh đó, một số công trình giao thông quan trọng khác vẫn đang được thành phố tích cực triển khai thực hiện, như: Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình

Anh My

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.