|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Financial Times: Trung Quốc sẽ khó vượt Mỹ trước năm 2060

21:07 | 25/10/2022
Chia sẻ
Trước những vấn đề về dân số, năng suất và nợ nần, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2060.

Tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng cải thiện năng suất lao động. (Ảnh minh họa: Reuters).

Trong bài viết trên tờ Financial Times, ông Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International, nhận định: Khi bước vào nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển ở mức trung bình trong thập kỷ tới.

Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ cần tăng trưởng ở tốc độ khoảng 5%. Tuy nhiên, các vấn đề về nhân khẩu học, gánh nặng nợ và sự sụt giảm năng suất có thể khiến tốc độ tăng trưởng chỉ bằng một nửa con số đề ra.

Những vấn đề nội tại

Ông Sharma nhận định trước sự suy giảm dân số lẫn năng suất lao động, Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế, một phương pháp không bền vững.

Trung Quốc hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người là 12.500 USD mỗi năm, bằng 1/5 so với Mỹ. Trên thế giới, chỉ có 38 nền kinh tế phát triển có mức thu nhập trên 12.500 USD trong thập kỷ qua và chỉ 19 nước có tốc độ tăng trưởng từ 2,5% trở lên trong 10 năm tiếp theo nhờ sự gia tăng lực lượng lao động.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ là một ngoại lệ khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình lớn đầu tiên duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 2,5% bất chấp sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động gần 0,5%/năm kể từ năm 2015.

Về vấn đề nợ, trong số 19 quốc gia duy trì mức tăng trưởng 2,5%, không có quốc gia nào có khoản nợ cao hơn Trung Quốc (nợ chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp đạt trung bình 170% GDP).

Trước cuộc khủng hoảng năm 2008, các khoản nợ của Trung Quốc ổn định ở mức khoảng 150% GDP; sau đó, nước này bắt đầu bơm tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng và các khoản nợ tăng vọt lên 220% GDP vào năm 2015.

Các khoản nợ thường dẫn đến suy thoái sâu, song trong thập niên 2010, kinh tế Trung Quốc chỉ giảm tốc từ 10% xuống 6%, thấp hơn đáng kể so với dự đoán.

 

Theo ông Sharma, Trung Quốc đã tránh được suy thoái nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ và việc phát hành thêm trái phiếu. Tổng nợ đã lên tới 275% GDP và phần lớn trong số tiền nợ được đầu tư vào bất động sản, một số tiền được ông Sharma đánh giá là khá lãng phí.

Mặc dù nguồn vốn vay đã giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, song tăng trưởng năng suất đã giảm một nửa xuống 0,7% trong thập kỷ trước. Hiệu quả đầu tư vốn đã sụt giảm “thê thảm”. Trung Quốc hiện phải đầu tư 8 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, gấp đôi mức đầu tư của thập kỷ trước và là một tỷ lệ rất kém đối với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Trước tình hình khó khăn trên, mức tăng trưởng 2,5% sẽ trở thành một thành tựu, khi duy trì mức tăng năng suất cơ bản 0,7% khó bù đắp được sự suy giảm dân số.

Khó vượt Mỹ

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đạt được bất kỳ mục tiêu tăng trưởng nào mà chính phủ đặt ra, song những nhà dự báo này không nhận ra sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây.

Năm 2010, nhiều nhà dự báo nổi tiếng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP vào năm 2020.

Năm 2014, một số nhà kinh tế ước tính rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên ngang giá sức mua (PPP). Do mặt bằng giá cả giữa hai nước khác nhau nên việc so sánh bằng PPP đảm bảo số liệu GDP hay GDP bình quân đầu người phản ánh cùng một khả năng mua sắm.

Theo các chuyên gia trên, đồng NDT bị định giá quá thấp và sẽ tăng giá so với đồng USD để minh chứng cho quy mô của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy vậy, trên thực tế, đồng nội tệ của Trung Quốc bị mất giá và GDP danh nghĩa của nước này vẫn thấp hơn Mỹ 33%. Ông Sharma cho rằng mức tăng trưởng 2,5% là một dự báo lạc quan khi quan hệ giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn ngày càng căng thẳng, chính phủ tăng cường can thiệp vào lĩnh vực công nghệ và mối lo ngại về gánh nặng nợ gia tăng.

Theo ông Sharma, nếu Mỹ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 1,5%, với tỷ lệ lạm phát tương tự và tỷ giá ổn định, Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2060.

 

Trà My