Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo sau xáo trộn lãnh đạo cấp cao, Hang Seng mất hơn 6%
Kết phiên 24/10, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán đại lục mất 2,02% và thủng mốc 3.000 điểm. Chỉ số Shenzhen Component cũng giảm 2,06%.
Chỉ số Hang Seng Index của Hong Kong sụt 6,36% xuống đáy 13 năm. Trong đó, chỉ số phụ của ngành công nghệ là Hang Seng Tech index lao dốc hơn 9% trong một ngày. Cổ phiếu của các đại gia công nghệ Alibaba và JD.com niêm yết tại Hong Kong cắm đầu giảm lần lượt 11,4% và 13,2%.
Ông Tai Hui, Giám đốc Chiến lược Thị trường khu vực châu Á tại JPMorgan Asset Management, cho rằng thị trường chứng khoán Hong Kong gần đây chịu tác động của hàng loạt yếu tố, bao gồm đà tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Theo CNBC, nhà đầu tư có thể đã mong đợi các biện pháp chính sách được công bố trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng thực tế đã phải thất vọng. Đại hội Đảng lần này chủ yếu tập trung vào thay đổi nhân sự cấp cao trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
“Phần lớn nội dung của Đại hội Đảng lần này tập trung vào các thay đổi nhân sự nên đợt hồi phục kinh tế có thể không đến sớm như thị trường mong đợi”, ông Tai Hui chia sẻ với CNBC.
Shanghai Composite có lúc ghi nhận sắc xanh sau khi chính phủ công bố số liệu kinh tế khả quan hơn dự kiến, nhưng sau đó chỉ số này quay đầu đi xuống.
Theo Reuters, vào sáng 24/10 Bắc Kinh đã công bố hàng loạt số liệu lẽ ra phải được thông báo trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng vào tuần trước nhưng đã bị hoãn lại. Cụ thể, GDP quý III tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 0,4% trong quý II cũng như dự báo 3,4% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt được thành tựu trên là nhờ nhu cầu xuất khẩu cao giúp các nhà máy có sản lượng tốt; vốn đầu tư tăng trưởng mạnh và chi tiêu của chính phủ được thúc đẩy.
Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 6,3% so với cùng kỳ, vượt qua kỳ vọng 4,5% và mức tăng trưởng 4,2% trong tháng 8.
Ngược lại, Trung Quốc cũng công bố không ít thông tin tiêu cực. Xuất khẩu tháng 9 chỉ tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 7,1% của tháng trước đó. Nhập khẩu vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 0,3%. Theo SCMP, tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị của Trung Quốc tăng từ 5,3% trong tháng 8 lên 5,5% trong tháng 9.
Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 2,5%, kém so với mức 3,3% mà các nhà kinh tế kỳ vọng và thấp hơn mức 5,4% trong tháng 8. Giá bất động sản tiếp tục đi xuống.
Theo Reuters, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hong Kong phản ứng tiêu cực với thông tin về nhân sự cấp cao mới tại Đại hội Đảng lần thứ 20.
Ông Tập Cận Bình nắm giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Một số quan chức có tư tưởng cải cách như Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Hàn Chính đều không còn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư và Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Uông Dương cũng rời khỏi nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản.
4 gương mặt mới được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Đinh Tiết Tường.
Cả 4 lãnh đạo mới này đều từng có thời gian tiếp xúc với ông Tập Cận Bình, có người từng làm việc dưới quyền ông Tập tại các địa phương.
Trong đó, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường là người đã ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc trong nhiều tháng đầu năm 2022 để chống dịch COVID-19, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế.
Theo thứ tự giới thiệu các nhân sự, ông Lý Cường nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc thay ông Lý Khắc Cường.
Reuters nhận định, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo phản ánh tâm lý lo sợ của nhà đầu tư về khả năng chính phủ tiếp tục các chính sách cách ly hà khắc và ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hơn là cho khu vực tư nhân. Trấn an thị trường là một nhiệm vụ khó khăn đối với Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng và giới lãnh đạo cấp cao nói chung.